Hà Nội phấn đấu giảm chi phí logistics, thúc đẩy lĩnh vực xuất nhập khẩu

Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 399/KH-UBND về việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.

Theo đó, việc phát triển dịch vụ logistics nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp dịch vụ logistics vào GRDP, giảm chi phí logistics để cạnh tranh giá cả sản phẩm của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại truyền thống, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử, đồng thời đôn đốc tiến độ, tăng cường phối hợp giữa các ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc khởi công các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics cũng như kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo Quy hoạch được duyệt để phát triển kết cấu hạ tầng logistics.

Kế hoạch này nhằm mục đích thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3 (3PL), mức độ 4 (4PL2); hướng đến mức độ 5 (5PL), logistics điện tử trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Song song đó, phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại-dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa; đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng và của cả nước.

Nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch này là hoàn thiện cơ chế quản lý và phát triển hoạt động logistics. Phát triển hạ tầng dịch vụ logistics, cùng đó là cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của thành phố.

Lãnh đạo Hà Nội giao Sở Công Thương kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời chủ trì, phối hợp các sở, ngành, các địa phương trong việc rà soát, kiểm tra phát triển các khu logistics với quy mô phù hợp, kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng; với các đơn vị liên quan tổ chức các chương trình tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về logistics cho các đối tượng.

Đối với Sở Giao thông vận tải, thành phố đề nghị triển khai thực hiện và đề xuất hoàn thiện Quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội. Giám sát, hướng dẫn các chủ đầu tư công trình xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông sử dụng ngân sách nhà nước đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành mạng lưới giao thông vận tải do thành phố quản lý.

Sở Giao thông vận tải là đầu mối tổ chức kết nối vận tải đa phương thức hiệu quả; liên kết các hình thức vận tải đường bộ, đường thủy, đường sắt. Công khai trên website danh sách doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải, hành trình vận tải, giá dịch vụ vận tải tham khảo để chủ hàng dễ dàng kết nối, lựa chọn...

Ngoài ra, Hà Nội giao Cục Hải quan Thành phố đẩy mạnh áp dụng Cơ chế Một cửa Quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hải quan điện tử; xây dựng, tổ chức mô hình hải quan số nhằm tăng tốc độ thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu./.