Hơn 2,3 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn để vượt khó trong năm 2024

Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2024 đạt 376.247 tỷ đồng, tăng 29.823 tỷ đồng so với năm 2023, trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 50.681 tỷ đồng, tăng 11.506 tỷ đồng.

Năm 2024 là một năm đầy thử thách khi thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội của nhiều địa phương trên cả nước.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã khẳng định vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Ông Huỳnh Văn Thuận - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2024 đạt 376.247 tỷ đồng, tăng 29.823 tỷ đồng so với năm 2023; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 50.681 tỷ đồng, tăng 11.506 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,5%.

Nguồn vốn nhận ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm vốn ủy thác theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 2.141 tỷ đồng tại 20 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thành phố. Điển hình một số chi nhánh nhận nguồn vốn ủy thác từ địa phương lớn trên 1.000 tỷ đồng kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW như: Thành phố Hà Nội 8.834 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 7.351 tỷ đồng, Bình Dương 2.207 tỷ đồng, Thành phố Đà Nẵng 2.163 tỷ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu 1.620 tỷ đồng, Quảng Ninh 1.502 tỷ đồng, Đồng Nai 1.446 tỷ đồng và Vĩnh Phúc 1.047 tỷ đồng,...

Thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã có 60 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh tham mưu triển khai cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương với số tiền là 248,3 tỷ đồng. Trong đó, có 53 chi nhánh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển riêng nguồn vốn để cho vay người chấp hành xong án phạt tù với số tiền 205,3 tỷ đồng.

Đến 31/12/2024, tổng doanh số cho vay đạt 119.507 tỷ đồng, với hơn 2,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay; tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 367.631 tỷ đồng, tăng 35.708 tỷ đồng (+10,8%) so với năm 2023 với gần 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.

Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh đạt 263.293 tỷ đồng, chiếm 71,6% tổng dư nợ, tập trung vào các chương trình như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và giải quyết việc làm; dư nợ cho vay sinh hoạt, đời sống đạt 104.387 tỷ đồng, chiếm 28,4%, hỗ trợ các mục tiêu như nước sạch, vệ sinh môi trường, xây nhà ở xã hội và giáo dục.

Ngân hàng Chính sách xã hội đóng góp tích cực vào 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, với chương trình cho vay giảm nghèo bền vững, dư nợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt 140.423 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng dư nợ, hỗ trợ hơn 2,8 triệu hộ. Với chương trình cho vay xây dựng nông thôn mới, tổng dư nợ tại khu vực nông thôn đạt 324.958 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và hạ tầng dân sinh. Và với cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dư nợ đạt 130.130 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho hộ dân tộc thiểu số là 89.455 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 1,6 triệu hộ, góp phần cải thiện đời sống và sản xuất.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận, năm qua, vốn tín dụng chính sách đã tạo việc làm cho hơn 712.000 lao động, hỗ trợ 9.300 người đi làm việc ở nước ngoài và gần 7.000 người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định. Ngoài ra, hơn 88.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã được vay vốn học tập; gần 1,76 triệu công trình nước sạch và vệ sinh ở nông thôn được xây dựng; 1.143 căn nhà cho hộ nghèo và hơn 6.200 căn nhà ở xã hội đã hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu an cư của các đối tượng thu nhập thấp.

Nguồn vốn chính sách đã và đang hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững. (Ảnh: Vietnam+)

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2025, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận cho biết Ngân hàng Chính sách xã hội đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm cung cấp vốn cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, đảm bảo thanh toán nợ đến hạn và duy trì khả năng thanh toán toàn hệ thống.

Trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động tham mưu Chính phủ, các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.

“Toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội xác định Chỉ thị số 39-CT/TW là rất quan trọng, làm tiền đề, cơ sở để tiếp tục triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn tới,” Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Thuận nhấn mạnh.

Việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện thông qua các giải pháp quản lý chặt chẽ chất lượng tín dụng, xử lý hiệu quả nợ rủi ro nhằm đảm bảo hoạt động tài chính an toàn và bền vững.

Trong năm 2025, Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung nguồn lực thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2025, trong đó, hoàn thành nâng cấp hệ thống Intellect Core Banking lên phiên bản ngân hàng số; phát triển các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng Mobile Banking, mở rộng hệ sinh thái số phục vụ khách hàng./.