Hà Nội: Mức thưởng Tết ở các loại hình doanh nghiệp đều tăng

Mức thưởng Tết năm 2025 trung bình của người lao động ở các doanh nghiệp đều tăng; trong đó thưởng Tết Dương lịch 2025 tăng từ 3-200% so với năm trước; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ tăng từ 2,86-12,5%.

Năm 2024, Thủ đô Hà Nội đối mặt không ít khó khăn, thách thức từ thiên tai, biến động giá và nguồn nhân lực khan hiếm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, công nhân viên chức, lao động và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng để người lao động yên tâm làm việc, doanh nghiệp hoạt động ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cho biết mức lương bình quân năm 2024 và dự kiến thưởng bình quân cho người lao động dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 có chiều hướng tăng đồng đều hơn so với kết quả năm 2023 ở tất cả loại hình doanh nghiệp.

Mức lương trung bình của người lao động năm 2024 tăng từ 6,76-7,35%. Trong đó, tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lương trung bình tăng 6,76%, từ 7,4 triệu đồng lên 7,9 triệu đồng/tháng; các loại hình doanh nghiệp còn lại tăng từ 7,14-7,35%.

Cụ thể, khối doanh nghiệp dân doanh tăng từ 6,8 triệu đồng lên 7,3 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp Nhà nước duy trì mức tăng ổn định từ 7 triệu đồng lên 7,5 triệu đồng/tháng. Mức lương cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp FDI, với mức 147 triệu đồng/tháng, trong khi khối doanh nghiệp dân doanh đạt 59 triệu đồng/tháng.

Đáng chú ý, mức thưởng Tết năm 2025 trung bình của người lao động ở các loại hình doanh nghiệp đều tăng. Thưởng Tết Dương lịch 2025 tăng từ 3-200% so với năm trước; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tăng từ 2,86-12,5% so với Tết Nguyên đán 2024.

Thưởng Tết Dương lịch 2025 tăng từ 3-200% so với năm trước; thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tăng từ 2,86-12,5% so với Tết Nguyên đán 2024.(Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Khối FDI vẫn có mức thưởng Tết Dương lịch tăng mạnh, mức thưởng trung bình 1 triệu đồng/người (tăng 200%); doanh nghiệp dân doanh mức thưởng trung bình 700.000 đồng/người (tăng 40%); công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước, thưởng trung bình 650.000 đồng/người (tăng 3%); công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng bình quân 750.000 đồng/người (tăng 15,38%).

Đặc biệt, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, khối FDI dẫn đầu về mức thưởng, trung bình 4,5 triệu đồng/người, cao nhất đạt 311 triệu đồng (tăng 12,5%). Doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước mức thưởng tăng nhẹ; trong đó, khối doanh nghiệp dân doanh, thưởng trung bình 3,6 triệu đồng/người, cao nhất 280 triệu đồng (tăng 2,86%); công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước, thưởng Tết Nguyên đán trung bình thưởng 3,5 triệu đồng/người, cao nhất 30 triệu đồng (tăng 6,06%); công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, mức thưởng bình quân 3,3 triệu đồng/người, cao nhất 38 triệu đồng (tăng 6,45%).

Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, khối FDI dẫn đầu về lương và thưởng, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh duy trì mức tăng trưởng ổn định nhưng chưa đạt tới mức vượt bậc.

Việc tăng trưởng đồng đều trong mức lương và thưởng tại các loại hình doanh nghiệp cho thấy nỗ lực cải thiện đời sống người lao động của các đơn vị. Đây không chỉ là động lực giúp người lao động gắn bó lâu dài mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng khốc liệt.

Từ tháng 11/2024, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chỉ đạo Công đoàn các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, kiểm tra và giám sát việc trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Đồng thời, xử lý trường hợp doanh nghiệp khó khăn, nợ lương, không trả thưởng hoặc giải thể, phá sản.

Công đoàn tăng cường đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về kế hoạch trả lương, thưởng Tết và chú trọng chăm lo đời sống cho người lao động. Các biện pháp phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể dịp Tết được triển khai quyết liệt nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương và doanh nghiệp...

Năm 2025, với chủ đề hoạt động là "Tập trung phát triển đoàn viên; tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh," Liên đoàn Lao động thành phố đưa ra 10 nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu Công đoàn các cấp, Công đoàn ngành thực hiện hiệu quả. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai các hoạt động lớn trong năm như Tháng Công nhân, Chương trình đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với đoàn viên, người lao động, chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động...

Các cấp Công đoàn cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, nhất là vấn đề nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của đoàn viên, người lao động; triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể.../.