Hà Nội đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chuyển đổi xe buýt điện vào năm 2030
Thành phố Hà Nội đã yêu cầu Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội để hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện buýt điện.
Với việc hỗ trợ từ nguồn vốn của thành phố, Hà Nội đã lên lộ trình và đặt mục tiêu sẽ chuyển đổi hoàn toàn xe buýt điện trong năm 2030 đồng thời sẽ sớm xây dựng đơn giá, định mức nhằm đẩy nhanh hiện thực Xanh hóa xe buýt.
Chọn xe điện, không dùng khí thiên nhiên
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vào sáng 8/1, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ghi nhận biểu dương những kết quả, kế hoạch năm vừa qua của Tổng công ty đề ra.
Ông Quyền yêu cầu Transerco phải có tư duy đổi mới đột phá quyết liệt, phải luôn nghĩ hôm nay còn làm tốt hơn hôm qua.
Trong bối cảnh còn đối diện các nguy cơ khó khăn, Phó Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo Transerco cần có giải pháp đồng bộ, rà soát luồng tuyến, cắt giảm bổ sung tuyến buýt, thực hiện chuyển đổi Xanh hóa xe buýt theo đúng lộ trình chậm nhất 2035. Tuy nhiên, Hà Nội đặt mục tiêu cơ bản đến 2030 làm xong chuyển đổi buýt sử dụng năng lượng sạch.
“Thành phố đã yêu cầu Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội để hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện buýt điện. Quỹ phải xây dựng bộ hồ sơ, đẩy nhanh thủ tục để có thể giải ngân sớm cho các đơn vị đồng thời giao sở giao thông vận tải và tài chính hoàn thiện các bước để trình Hội đồng Nhân dân trong kỳ họp gần nhất trong năm nay. Tinh thần chuyển đổi xanh là chuyển sang xe buýt điện chứ không dùng khí thiên nhiên,” ông Quyền tiết lộ.
Ngoài ra, Hà Nội đề nghị sở giao thông vận tải phải có chủ trì, rà soát xây dựng các đơn giá, định mức quy định về xe chạy năng lượng xanh để Transerco thực hiện việc chuyển đổi và có logo màu nhận diện đơn vị buýt.
“Doanh nghiệp buýt cũng nên đăng ký hãng xe là tiêu chuẩn mấy sao để hưởng giá theo dịch vụ cung cấp,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gợi mở.
Ông Quyền cũng yêu cầu Transerco rà soát bến bãi tĩnh, động, ngầm, tính toán cơ chế đầu tư và thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thì mới thu hút được đầu tư; ứng dụng công nghệ cần đồng bộ toàn diện để kiểm soát điều tiết lượng xe vào trung tâm; phát triển mở rộng xe du lịch City Tour sang các điểm du lịch của thành phố.
Sản lượng hành khách tăng
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, theo ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Transerco, năm 2024, Tổng công ty đã vận hành hơn 3,4 triệu lượt xe, bằng 98,2% kế hoạch, giảm 10,1% so với thực hiện năm 2023. Tổng sản lượng hành khách vận chuyển của Transerco có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, ước đạt trên 234 triệu lượt, tăng 4,5% so với năm 2023, chiếm khoảng 58% sản lượng vận chuyển toàn thành phố Hà Nội.
Có được kết quả này, ông Nam cho biết Transerco đã chủ động rà soát và báo cáo đề xuất với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội điều chỉnh lộ trình, điểm đầu cuối cho 9 tuyến xe buýt nhằm tăng cường kết nối mạng, kết nối tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội khi đi vào vận hành; đề xuất và điều chỉnh hợp lý hóa tần suất, biểu đồ chạy xe cho 40 tuyến buýt phục vụ tổ chức giao thông, hợp lý giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm nhằm tăng hiệu quả vận chuyển hành khách.
Bên cạnh đó, Tổng công ty đã nhằm nâng cao ý thức, thái độ chấp hành Luật Giao thông đường bộ đối với công nhân lái xe và ý thức phục vụ khách hàng cho đội ngũ nhân viên phục vụ; chất lượng dịch vụ vận tải hành khách đã cải thiện rõ rệt, số lượt phản ánh giảm 14% so với cùng kỳ và được kiểm soát theo mục tiêu đề ra.
Thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội về triển khai thí điểm áp dụng thẻ vé điện tử, từ tháng 11/2023 đến nay Transerco đã thực hiện thí điểm vé điện tử trên 14 tuyến xe buýt (chiếm 21% tổng số tuyến của Tổng công ty).
Nhấn mạnh từ năm 2019, thành phố Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo và có cơ chế hỗ trợ cho việc chuyển đổi phương tiện vận tải khách công cộng sử dụng năng lượng sạch, tuy nhiên, ông Nam thừa nhận đến nay các cơ chế ưu đãi vẫn chưa được áp dụng.
“Trong khi chờ thành phố điều chỉnh cơ chế, với tinh thần chủ động, Tổng công ty đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xe buýt điện và hạ tầng trạm sạc thí điểm cho 3 tuyến xe buýt theo chỉ đạo của thành phố, bằng nguồn lực tự có của đơn vị. Trải qua thời gian chuẩn bị đầu tư với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ mới, đến nay công tác đầu tư phương tiện và hạ tầng phục vụ xe buýt điện cho hai tuyến thí điểm đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo sẵn sàng cho việc khai trương dự kiến trong tháng 1/2025 và chính thức vận hành từ ngày 1/2/2025,” Tổng Giám đốc Transerco khẳng định.
Đưa ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025, theo ông Nam, Transerco đánh giá tổng thể các tuyến xe buýt, đề xuất xây dựng phương án vận hành tối ưu để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; sẵn sàng triển triển khai áp dụng thẻ vé điện tử trên toàn bộ các tuyến xe buýt...
Transerco bám sát chủ trương của thành phố và ý kiến của các sở ngành để báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt cơ chế tài chính hỗ trợ chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh, đảm bảo cho đề án chuyển đổi phương tiện có tính khả thi trong quá trình thực hiện.
“Mục tiêu của Tổng công ty năm nay là cân đối nguồn lực, nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đảm bảo hiệu quả và bền vững; tiếp tục tối ưu hóa tổ chức, tinh gọn bộ máy, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng để nâng cao hiệu năng, hiệu quả và hiệu suất hoạt động,” ông Nam nói.