Thông tin mới nhất về bệnh do virus gây viêm phổi trên người tại Trung Quốc

Liên quan đến tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người, ngày 7/1, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Human metapneumovirus (hMPV) không phải là virus mới.

Ngày 8/1, Cục Y tế Dự phòng-Bộ Y tế đã thông tin về tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (hMPV) tại Trung Quốc và cho biết Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia thành viên duy trì giám sát các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp...

Theo Cục Y tế Dự phòng ngày 7/1, Tổ chức Y tế thế giới đã có thông tin chính thức về tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (hMPV) tại Trung Quốc.

Thông tin cho biết tại nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính có xu hướng gia tăng theo mùa vào thời điểm này trong năm do các tác nhân gây bệnh hô hấp như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới tỷ lệ mắc các hội chứng cúm (ILI) hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) ở một số quốc gia ở Bắc bán cầu đã tăng lên trong những tuần gần đây và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.

Bệnh cúm mùa cũng đang gia tăng ở nhiều quốc gia ở châu Âu, Trung Mỹ và Caribbean, Tây Phi, Trung Phi và nhiều quốc gia ở châu Á phù hợp với xu hướng điển hình cho thời điểm này trong năm.

Liên quan đến tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (hMPV) tại Trung Quốc, theo dữ liệu giám sát mới nhất (29/12/2024) về các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, có xu hướng gia tăng đối với các nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các tác nhân phổ biến như vi rút cúm theo mùa, RSV, hMPV..., trong đó cúm mùa ghi nhận số mắc cao nhất theo đúng các nhận định tình hình với thời điểm này trong năm và không ghi nhận có tác nhân bất thường nào được báo cáo.

Các cơ quan y tế tại Trung Quốc xác nhận rằng hệ thống y tế không bị quá tải, tỷ lệ sử dụng bệnh viện hiện tại thấp hơn thời điểm này năm ngoái và không có tuyên bố hoặc đáp ứng khẩn cấp nào được thực hiện.

Các cơ quan y tế tại Trung Quốc đã cung cấp các khuyến cáo, thông điệp cho người dân về cách phòng ngừa sự lây lan của các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và cách giảm thiểu tác động của các bệnh này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá các đợt dịch theo mùa do các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp thường xảy ra trong thời gian mùa Đông tại các khu vực có khí hậu ôn đới.

Sự gia tăng số mắc các nhiễm trùng qua đường hô hấp cấp tính ở nhiều quốc gia Bắc bán cầu trong những tuần gần đây đã được dự báo trước với thời điểm này trong năm và không có yếu tố nào bất thường.

Nhiều tác nhân gây bệnh hô hấp cùng xảy ra trong giai đoạn mùa đông có thể gây ra gánh nặng lớn hơn cho hệ thống y tế của các quốc gia.

WHO khuyến cáo người dân tại các quốc gia đang trong giai đoạn mùa đông thực hiện các biện pháp phòng bệnh cơ bản để ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu các rủi ro do các bệnh lây qua đường hô hấp gây ra, nhất là đối với nhóm dễ bị tổn thương.

Trường hợp triệu chứng nhẹ nên ở nhà, nghỉ ngơi, giữ sức khỏe để tránh lây lan cho người khác. Nhóm nguy cơ cao hoặc trường hợp triệu chứng nặng cần đến các cơ sở y tế để tư vấn, điều trị kịp thời.

Người dân cần cân nhắc việc đeo khẩu trang ở những nơi đông người, khu vực thông khí kém; che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy; thực hiện việc rửa tay thường xuyên và tiêm vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

WHO cũng khuyến cáo các quốc gia thành viên duy trì giám sát các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp phù hợp với bối cảnh của từng quốc gia và khuyến cáo không áp đặt bất kỳ hạn chế nào về giao thương, đi lại liên quan đến các xu hướng của các bệnh đường hô hấp cấp tính hiện nay.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời; đồng thời cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng và cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm bệnh đường hô hấp tại (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Liên quan đến tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người, ngày 7/1, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Human metapneumovirus (hMPV) không phải là virus mới.

Đây là một trong số các tác nhân gây viêm hô hấp ở trẻ em và đã được ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm tỷ lệ 12.5% ở trẻ em so với các tác nhân khác như rhinovirus (44,6%), virus hô hấp hợp bào RSV (41,1%), cúm A (25%).

Kết quả báo cáo từ chương trình nghiên cứu tác nhân viêm phổi cộng đồng hợp tác giữa Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Khánh Hoà, Viện Pasteur Nha Trang và Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc gia Singapore (thuộc dự án PREPARE) cho thấy tác nhân gây bệnh là các virus và vi khuẩn phổ biến.

Cụ thể, kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (gồm 56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện từ tháng Bảy đến tháng 12 năm ngoái tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hMPV chiếm tỷ lệ nhỏ (12.5% ở trẻ em) so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng khác.

Các tác nhân phổ biến hơn được tìm thấy ở trẻ em như vi khuẩn H. influenzae (71.4%), S. pneumoniae (42.9%), virus cúm A (25%), rhinovirus (44.6%), RSV (41.1%)... Tác nhân phổ biến ở người lớn là vi khuẩn H. influenzae (42.6%), S. pneumoniae (27.7%) và virus cúm A (48.9%).

Cũng trong sáng nay, tại Chỉ thị tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu Sở y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, cách ly, xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan vào Việt Nam.

Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh; chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời xử lý, kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.

Đồng thời bảo đảm điều kiện cần thiết triển khai đội phản ứng nhanh và các phương tiện, thiết bị, hóa chất, vật tư y tế cần thiết để sẵn sàng hỗ trợ địa phương đáp ứng với các tình huống dịch bệnh./.