Hà Nội: 22 doanh nghiệp cam kết không tăng giá các mặt hàng thiết yếu dịp Tết
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa tăng từ 5%-20% theo từng mặt hàng.
Sức mua các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán đang tăng nhiệt. Tại nhiều nơi, lượng khách đến siêu thị mua sắm khá đông và chủ yếu tập trung ở các gian hàng đồ tươi sống, bánh kẹo, hoa quả. Năm nay, các mặt hàng Việt Nam cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Nhiều người tiêu dùng đánh giá, nguồn hàng Tết được cung cấp năm nay tương đối đầy đủ, dồi dào. Phần lớn mặt hàng được lựa chọn là hàng Việt Nam do chất lượng tốt.
Thông tin với Đoàn công tác kiểm tra việc cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì ngày 16/1, Giám đốc siêu thị Go! Thăng Long Nguyễn Minh Tuấn cho biết những ngày gần đây, sức mua của người dân đã tăng 20%-30% so với thời điểm đầu tháng.
Về phía Go! Thăng Long đã dự trữ lượng hàng hóa tăng 15% so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó, có 90% là hàng Việt Nam chất lượng cao. Bên cạnh việc dự trữ hàng hóa, siêu thị kết hợp với các doanh nghiệp cung ứng liên tục tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh thông tin, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình 5%-20% theo từng mặt hàng. Đặc biệt, 22 doanh nghiệp bán lẻ của thành phố Hà Nội cam kết không tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Tại chợ hoa Xuân khu vực quảng trường phía trước Sân vận động Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Nam Từ Liêm Phùng Ngọc Sơn thông tin, chợ có 90 gian hàng hoa, cây cảnh; 60 gian hàng trưng bày các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, bánh kẹo Tết, trái cây và sản phẩm làng nghề truyền thống. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được lựa chọn kỹ; đảm bảo nguồn gốc, chất lượng; phong phú về chủng loại, có giá cả phù hợp; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Về phía thành phố, ông Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận sự chuẩn bị đầy đủ, tích cực của các nhà bán lẻ, hệ thống siêu thị trong việc chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của bà con cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tuy nhiên, để có sự chuẩn bị tốt nhất, tránh bị động vào những ngày cận Tết khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý các siêu thị, các nhà bán lẻ, nhà phân phối chủ động nguồn cung hàng hóa, tránh để xảy ra việc thiếu hàng cục bộ khi nhu cầu của người dân tăng mạnh.
“Thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiêu thụ sản phẩm, các siêu thị nên đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt tới thị trường quốc tế thông qua các hệ thống phân phối của doanh nghiệp nước ngoài,” Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội lưu ý thêm./.