Tận dụng EVFTA, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy thương mại Việt Nam-Ba Lan

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, hiện nay dư địa cho phát triển thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ba Lan vẫn còn rất lớn, hai nước có thể tiếp tục gặt hái những kết quả tốt đẹp trong tương lai.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết ngày 16/1, đoàn công tác Ba Lan và Việt Nam đã tổ chức cuộc họp tham vấn kinh tế song phương lần thứ 2 tại Warsaw, Ba Lan. Đoàn công tác Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn.

Cuộc họp tham vấn được thực hiện trong khuôn khổ các điều khoản Bản ghi nhớ giữa Bộ Phát triển Kinh tế và Tài chính Ba Lan và Bộ Công Thương Việt Nam ký ngày 28/11/2017.

địa cho phát triển thương mại, đầu tư còn rất lớn

Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng ghi nhận mối quan hệ lâu dài và hữu nghị sâu sắc giữa hai nước và nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế song phương, thúc đẩy thương mại và đầu tư, mở thêm những lĩnh vực hợp tác mới hai bên cùng có lợi.

Hai Bộ trưởng đã cùng nhau thảo luận về các lĩnh vực hợp tác như thương mại, công nghiệp, khai thác khoáng sản, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số, nông sản, dược phẩm và bày tỏ quan điểm về hợp tác trong tương lai trong các lĩnh vực này.

Đặc biệt, hai Bên đã trao đổi thông tin về các xu hướng mới nhất trong thương mại song phương và các giải pháp để thuận lợi hóa cho thương mại và đầu tư, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và tham gia các hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại của nhau.

Hai Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) tạo điều kiện cho hàng hóa có thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Krzysztof Paszyk, Việt Nam đang là đối tác thương mại quan trọng nhất của Ba Lan trong số các nước ASEAN và là một trong những điểm đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Ba Lan ở châu Á-Thái Bình Dương. Bộ trưởng cũng thông báo Ba Lan đã bắt đầu thủ tục nội bộ phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam và Liên minh châu ÂU (EVIPA), đồng thời ông bày tỏ mong muốn, thương mại hai nước sẽ hướng đến sự cân bằng và mở rộng các mặt hàng thương mại.

Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 5,5 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất khẩu của Ba Lan sang Việt Nam tăng 16% đạt giá trị 581 triệu USD. Xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan tăng gần 12% đạt gần 5 tỷ USD. Kết quả, Ba Lan ghi nhận thâm hụt thương mại đáng kể là 4,4 tỷ USD. Tương tự, trong năm 2024, sau 10 tháng, xuất khẩu Ba Lan sang Việt Nam đạt 339 triệu USD nhưng nhập khẩu đạt 4,7 tỷ USD, dẫn đến nhập siêu ở mức 4,4 tỷ USD.

Đánh giá sự tiến bộ trong việc mở rộng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông sản thực phẩm của Ba Lan có thể giúp góp phần cân bằng thương mại song phương giữa hai nước. Năm 2023, Ba Lan ghi nhận cán cân thương mại thâm hụt 133,2 triệu USD đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm từ Việt Nam (sau 10 tháng năm 2024, mức thâm hụt lên tới 161,8 triệu USD).

Phía Ba Lan hy vọng rằng, việc tăng cường các cuộc đối thoại giữa các tổ chức kiểm dịch thực vật và thú y sẽ giúp mở cửa thị trường Việt Nam cho các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Ba Lan.

Bộ trưởng Krzysztof Paszyk nhấn mạnh, Ba Lan đánh giá cao kết quả cuộc họp lần thứ 3 của Nhóm Công tác Ba Lan-Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp đã mở cửa thị trường cho sản phẩm việt quất của Ba Lan.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Krystof Paszyk tại cuộc họp tham vấn kinh tế song phương lần thứ 2. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Krzysztof Paszyk kỳ vọng, phía Việt Nam sẽ cập nhật thường xuyên danh sách các cơ sở của Ba Lan và danh sách các sản phẩm Ba Lan thuộc diện kiểm soát thú y. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Krzysztof Paszyk cũng hy vọng Việt Nam sớm hoàn tất các yêu cầu xuất khẩu đối với các sản phẩm có nguồn gốc động vật từ Ba Lan.

Ngoài ra, liên quan đến thương mại nông sản giữa hai nước, Bộ trưởng Krzysztof Paszyk cũng đề nghị Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Ba Lan.

Khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia liên kết, hợp tác

Liên quan đến những đề xuất từ Bộ trưởng Krzysztof Paszyk, về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhất trí và tin rằng, những đề xuất của Bộ trưởng Krzysztof Paszyk sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Ba Lan; hiện nay, dư địa cho phát triển thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn còn rất lớn, hai nước có thể tiếp tục gặt hái những kết quả tốt đẹp trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hai nước có tiềm năng tận dụng tốt hơn Hiệp định EVFTA để Ba Lan trở thành cầu nối cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập và phát triển ở thị trường EU, cũng như hàng hóa Ba Lan thông qua thị trường Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN và các nước mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2024 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ba Lan đạt 3,4 tỷ USD tăng 21,7% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 24,4% và nhập khẩu đạt 387 triệu USD tăng 3,8%. Tuy có sự tăng trưởng, nhưng con số này vẫn chưa tương xứng và chưa phản ánh đúng tiềm năng và lợi thế của các bên.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao hoạt động của Nhóm công tác về nông nghiệp giữa hai nước. Kết quả cuộc họp Nhóm công tác về nông nghiệp lần thứ 3 được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2024 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hai nước và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm của hai nước sang thị trường mỗi bên. Việt Nam đề xuất hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu phục vụ nghiên cứu nguồn lợi hải sản,

Nhấn mạnh hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm rất tiềm năng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên để tận dụng điều này còn phụ thuộc nhiều vào việc tuân thủ quy định của hai nước và các Điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên. Việt Nam khuyến khích các công ty nước ngoài: Đầu tư nghiên cứu và sản xuất thuốc, vaccine, sinh phẩm tại Việt Nam...

Toàn cảnh cuộc họp tham vấn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hoan nghênh đề xuất của phía Ba Lan trong việc mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ bán dẫn, nông nghiệp, khai thác mỏ, năng lượng, môi trường, các giải pháp công nghệ bền vững và thân thiện với môi trường cho nền kinh tế tuần hoàn và quản lý nước thải.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ba Lan hỗ trợ Việt Nam vận động Ủy ban châu Âu dỡ bỏ thẻ vàng đối với ngành thủy sản Việt Nam, qua đó có thể thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ba Lan.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, hai bên cần phối hợp chặt chẽ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa thông qua hệ thống siêu thị, bán lẻ tại cả Ba Lan và Việt Nam, bao gồm: cung cấp thông tin, giới thiệu các tập đoàn phân phối Ba Lan đặt hiện diện thương mại tại Việt Nam, hợp tác đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào các mạng phân phối của các tập đoàn tại Ba Lan/các nước thuộc EU, nhất là hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam.

Cùng với đó, khuyến khích các tập đoàn phân phối đa quốc gia của Ba Lan/EU liên kết, hợp tác với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam để phát triển nguồn hàng cho mạng phân phối toàn cầu của tập đoàn, doanh nghiệp đó, xây dựng Việt Nam thành trung tâm cung ứng của khu vực.

Sau cuộc họp tham vấn kinh tế lần thứ 2 Việt Nam-Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan Krystof Paszyk đã ký kết biên bản cuộc họp, thống nhất nhiều nội dung quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Dự kiến cuộc họp Tham vấn kinh tế song phương lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2027./.