Giới làm phim lo lắng khi ngành điện ảnh bị tăng thuế từ 5% lên 10%

Người làm phim lo ngại việc tăng thuế sẽ kéo theo việc tăng kinh phí sản xuất, nhà đầu tư quay lưng với điện ảnh vì rủi ro thua lỗ quá lớn, thậm chí góp phần đẩy khán giả xa với phim Việt hơn.

Điện ảnh gặp khó trước quy định mới? (Ảnh minh họa)

Ngày 26/11 Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim sẽ chịu mức thuế 10% thay vì 5% như luật hiện hành. Luật sửa đổi sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Giới làm phim cho rằng quyết định này sẽ tạo thêm gánh nặng cho việc sản xuất phim, ảnh hưởng đến nhiều hạng mục kinh phí thiết thực như cát xê cho diễn viên, tiền trả cho kịch bản, các khâu dựng phim, hậu kỳ và nhiều công đoạn khác, góp phần tạo khó khăn để hòa vốn, thậm chí khiến nhà đầu tư “quay lưng” với điện ảnh và chuyển hướng sang lĩnh vực khác an toàn, ít rủi ro hơn.

“Các hoạt động nghệ thuật đều rất ít có hoạt động sinh lãi. Phim ảnh cũng vậy. Nếu chỉ nhìn vào một số phim đạt vài trăm tỷ doanh thu rồi nghĩ ngành này dễ sống thì không đúng, bởi hầu hết phim đều lỗ hoặc hòa vốn,” đạo diễn Phan Đăng Di nhận xét.

“Tăng thuế là thách thức và gánh nặng cho người làm phim. Đáng lẽ nên chờ 5-10 năm nữa để điện ảnh thực sự vươn lên thành ngành công nghiệp văn hóa, từ đó có thể thu về nguồn lợi đóng thuế nhiều hơn nữa,” Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đỗ Lệnh Hùng Tú nhận xét.

Nếu tổng doanh thu ngành điện ảnh hàng năm dao động khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng thì mức thuế thu về khoảng 400-500 tỷ đồng, chiếm chưa tới 0,0002% ngân sách Nhà nước (khoảng 2,07 triệu tỷ đồng trong năm 2023). Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng con số đóng vào ngân sách rất nhỏ, nếu số tiền này được “xoay vòng” để làm nhiều phim mới thì sẽ có giá trị hơn nhiều.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận xét: “Xã hội còn nhìn nhận những ngành giải trí như điện ảnh là có cũng được, không có cũng được. Vì vậy trong thời gian sắp tới lĩnh vực điện ảnh cần tập trung tựu cứu mình trước khi được cứu.”

Việc tăng thuế từ mức 5% lên thành 10% cũng tạo ra áp lực khốc liệt hơn cho phim Việt khi cạnh tranh với phim nước ngoài trên sân nhà. Thực tế này buộc các nhà làm phim phải cố gắng và có bước đi thông minh hơn trong tương lai. Các nhà sản xuất sẽ phải cân nhắc các bộ phim trước khi đưa ra rạp nếu không muốn lỗ nặng.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhận định khi các rạp tăng giá vé thêm 5%, người xem sẽ cân nhắc nhiều hơn khi ra rạp. Tình thế này cũng tạo thêm rào cản cho những phim Việt Nam có ít yếu tố thương mại hoặc không đủ mạnh vì khán giả có xu hướng chọn phim nước ngoài và bỏ qua phim Việt.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ thì cho rằng điện ảnh trong nước đang rất cần nuôi dưỡng cảm tình với khán giả. Nếu giá vé tăng, khán giả có thể lựa chọn an toàn hơn bằng cách xem phim ngoại mà không chọn phim Việt./.