Gìn giữ Di sản nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer ở tỉnh Trà Vinh

Từ những chiếc chiếu thô ráp ban đầu, dần dần, chiếu Cà Hom tạo được uy tín trên thị trường với các chủng loại đa dạng hơn như chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in hoa, in chữ…

Dệt chiếu tại ấp Cà Hom, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. (Nguồn: TTXVN)

Nghề dệt chiếu ở xã Hàm Tân, xã vùng sâu của huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã có từ lâu đời, tập trung ở 3 ấp Chợ, Cà Hom và Bến Bạ, trong đó ấp Cà Hom là nơi có 95% đồng bào Khmer sinh sống.

Tại Quyết định 2321/QĐ-BVHTTDL, nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer ở Trà Vinh được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, Làng nghề dệt chiếu Cà Hom hình thành từ những thập niên cuối thế kỷ 19. Từ chỗ tự sản xuất, tự tiêu thụ hoặc làm quà biếu, dần dần, sản phẩm chiếu Cà Hom, Bến Bạ được nhiều người biết đến, trở thành hàng hóa từ thập niên 40 của thế kỷ 20 và hiện được nhiều người ưa chuộng.

Theo các bậc cao niên, lịch sử hình thành và phát triển làng nghề cũng có nhiều thăng trầm. Ban đầu, một vài nghệ nhân biết nghề dệt vải dùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương mày mò làm thử để sử dụng. Họ cũng dùng cây lát (cói) cắt đem về chẻ nhỏ, phơi khô, rồi tìm cây bố (đay) bóc vỏ se làm sợi. Họ dùng tre gỗ làm khung để dệt. Sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng trong nhà, dần dần nhà này thấy nhà kia làm được nên cũng làm theo.

Buổi đầu chiếu đơn giản chỉ là chiếu trắng rồi tay nghề được nâng lên, một vài người đã biết lấy cây dang, cây nghệ để chế ra màu, dệt thành chiếu màu.

Từ những chiếc chiếu thô ráp ban đầu, dần dần, chiếu Cà Hom, Bến Bạ tạo được uy tín trên thị trường với các chủng loại đa dạng hơn như chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in hoa, in chữ…

Để làm ra sản phẩm chiếu Cà Hom, người dân phải thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ. (Nguồn: TTXVN)

Để làm chiếu, công đoạn đầu tiên là tìm cây lác (còn gọi là cói) thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Lác được phân cỡ xong đem rửa sạch, rồi vót lại bằng lưỡi dao thật sắc và nhỏ.

Mỗi cọng lác sau khi vót được phơi khô, sẽ có kích cỡ to bằng cọng chân nhang. Nếu làm chiếu hoa thì giai đoạn sử dụng nước pha màu nấu sôi để luộc những cọng lác phải đảm bảo được độ nóng của nước màu, lửa quá to hay quá nhỏ sẽ dễ làm cho lác bị chín nhừ hoặc là không thấm màu.

Hình ảnh hay hoa văn thường được các nghệ nhân chọn lựa rất công phu, đặc biệt là chiếu hoa dệt hai mặt đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế, tính thẩm mỹ trong từng đường dệt. Ưu điểm của chiếu hoa ở làng chiếu Cà Hom, Bến Bạ là không bị phai màu hay giòn gãy dù đã sử dụng 4-5 năm.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, vào thập niên 90 của thế kỷ 20, làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ có nguy cơ mai một do người dân trong làng không chủ động được nguồn nguyên liệu, sản phẩm chiếu không được cách tân về mẫu mã, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong lúc hàng trăm người thợ đã bỏ nghề thì bà Ngô Thị Pho vẫn gắn bó bên khung dệt. Bà chính là người có công đưa làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ từ chỗ sắp mai một đi đến ăn nên làm ra.

Với suy nghĩ chiếu thô, chiếu trắng không được thị trường ưa chuộng, bà tự thiết kế hoa văn, phối màu rồi dệt thử sản phẩm chiếu hoa hai mặt. Sau nhiều lần thất bại, vào năm 2000, chiếu hoa hai mặt của bà Pho đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Cũng từ đó, ngày càng có nhiều người tìm đến đặt hàng.

Làng chiếu Cà Hom duy trì nghề dệt chiếu truyền thống. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2001, với mong muốn xây dựng lại làng nghề và giúp nhiều hộ đồng bào Khmer nghèo có việc làm, Ủy ban Nhân dân xã Hàm Tân đã xây dựng dự án hỗ trợ kinh phí đóng khung dệt cho 40 hộ nghèo và nhờ bà Pho truyền nghề dệt hoa hai mặt.

Bà đã truyền dạy những bí quyết của mình, cùng người dân trong làng vực dậy nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ, giúp hàng trăm hộ dân sống bằng nghề, tạo ra việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đến nay, trung bình mỗi năm làng chiếu Cà Hom-Bến Bạ cung cấp trên dưới 150.000 đôi chiếu cho thị trường các tỉnh, thành phố trong nước, nhiều nhất là các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.