Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự Khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Hòa Bình
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần có hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, phát huy cao nhất giá trị 2 Di tích Quốc gia Đặc biệt Di tích khảo cổ Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành.
Tối 16/11, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt Di tích khảo cổ Hang xóm Trại, Mái đá Làng Vành và Khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh năm 2024.
Hai Di tích Quốc gia Đặc biệt là đại diện tiêu biểu cho các di sản khảo cổ, có giá trị lịch sử, văn hóa qua hàng nghìn năm của nền văn hóa xứ Mường Hòa Bình.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, khách quốc tế; sở, ngành các địa phương gồm Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản của nền “Văn hóa Hòa Bình,” văn hóa Mường cũng như văn hóa của các dân tộc trong tỉnh. Hòa Bình cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về phát triển văn hóa; gắn kết chặt chẽ văn hóa với phát triển du lịch bền vững.
Với 2 Di tích Quốc gia Đặc biệt Di tích khảo cổ Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành, tỉnh cần có hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, phát huy cao nhất giá trị.
Đồng thời, Hòa Bình đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về giá trị di sản văn hóa Mường Hòa Bình và nền “Văn hóa Hòa Bình” tới nhân dân và bạn bè quốc tế; trong đó quan tâm nghiên cứu việc lập hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh vào di sản thế giới.
Việc tổ chức thành công Tuần Văn hóa-Du lịch sẽ góp phần giới thiệu hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, điểm du lịch và bản sắc văn hóa các dân tộc; quảng bá sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng, qua đó, tôn vinh, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch của Hòa Bình.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cho biết tỉnh xác định văn hóa là 1 trong 5 đột phá chiến lược và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
Cùng với đó là hình thành sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn về nền “Văn hóa Hòa Bình,” để di sản mãi trường tồn và lan tỏa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển đất nước, kinh tế-xã hội của địa phương trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Hòa Bình diễn ra từ ngày 15-23/11 với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Trong đó có Lễ Cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà; Triển lãm ảnh nghệ thuật năm 2024 với chủ đề “Nét đẹp Văn hóa-Du lịch tỉnh Hòa Bình”; tham quan các điểm du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình; Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình; Đêm hội rượu cần; Diễn đàn Nông nghiệp với chủ đề: “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”; Lễ hội cá, tôm sông Đà lần thứ hai năm 2024; Giải thi câu thể thao trên sông Đà và tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ thủy điện Hòa Bình…
Tại lễ khai mạc, đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Đất Mường vào hội” với 3 chương: Âm vang sử thi "Đẻ đất đẻ nước," "Bản hòa ca xứ Mường" và "Đất Mường vào hội," mang đến các tiết mục nghệ thuật đặc biệt, sinh động, hấp dẫn, ngập tràn niềm tự hào, để lại ấn tượng sâu đậm cho hàng nghìn người dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế./.