Giá vàng có thể tăng lên 2.300 USD mỗi ounce trong nửa cuối năm 2024
Chuyên gia ngân hàng Citi nhận định giá vàng có thể tăng lên 2.300 USD/ounce trong nửa cuối năm 2024, khi các nhà đầu tư hoan nghênh tín hiệu của Fed về việc cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay.
Đà khởi sắc của giá vàng vẫn đang tiếp diễn, đưa kim loại quý này lên mức cao kỷ lục mới trên 2.200 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 21/3.
Giá vàng còn có khả năng tăng hơn nữa trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang tiếp tục mua lượng vàng cao kỷ lục.
Vào lúc 14 giờ 27 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng đã tăng 5,26 USD, hay 0,24%, lên 2.209,04 USD/ounce. Ông Aakash Doshi, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Bắc Mỹ của ngân hàng Citi, nhận định giá vàng có thể tăng lên 2.300 USD/ounce trong nửa cuối năm 2024, khi các nhà đầu tư hoan nghênh tín hiệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về việc cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay.
Thị trường chứng khoán ở New York và khắp châu Á đã tràn ngập sắc xanh, trong khi đồng USD giảm giá trước tuyên bố của Fed về nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay, dù dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát tăng lên trong tháng 1 và tháng 2.
Các nhà giao dịch vàng cũng hưởng ứng thông tin này, đẩy giá vàng lên mức cao nhất từ trước đến nay, củng cố chuỗi đà tăng của kim loại quý này.
Kể từ giữa tháng 2, giá vàng đã tăng 12%. Đồng USD yếu hơn và sức hấp dẫn của vàng như một kênh trú ẩn an toàn khi căng thẳng địa chính trị gia tăng là nguyên nhân góp phần khiến giá vàng lên cao.
Bên cạnh đó, ông Shaokai Fan, một quan chức cấp cao của Hội đồng Vàng Thế giới, dự đoán các ngân hàng trung ương, vốn đã ghi nhận lượng vàng mua vào cao lịch sử trong hai năm qua, sẽ tiếp tục mạnh tay mua vào trong năm nay.
Hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương đã giúp nâng đỡ giá vàng, bất chấp lãi suất cao và đồng USD mạnh.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Fed đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất hiện tại, đồng thời cho biết lãi suất dự kiến sẽ giảm 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm 2024, với 3 lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm.
Fed cũng đánh giá hoạt động kinh tế của Mỹ đang mở rộng với tốc độ vững chắc, trong khi việc làm vẫn tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Là một kênh trú ẩn an toàn, vàng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, khi các ngân hàng trung ương giảm chi phí cho vay. Chuyên gia Chris Weston của Tập đoàn Pepperstone nhận định việc Fed chấp nhận mức lạm phát và tình hình thị trường lao động hiện nay là tín hiệu xanh cho các nhà đầu tư vàng.
Trong một lưu ý mới đây, các nhà phân tích tại Citi Group tự mô tả mình là “những nhà đầu tư vàng trung hạn,” cho rằng có 25% xác suất vàng đạt mức kỷ lục 2.300 USD/ounce trong nửa cuối năm.
Triển vọng cơ bản mà họ dự báo cho giá vàng vẫn là 2.150 USD/ounce, đồng thời cho rằng khả năng vàng leo lên ngưỡng 3.000 USD/ounce trong 12-16 tháng tới. Vàng thường được coi là nơi "trú ẩn an toàn" trong thời điểm kinh tế căng thẳng.
Tài sản không sinh lời này cũng được coi là một khoản đặt cược chắc chắn khi lợi suất đang bị kìm hãm bởi chính sách tiền tệ mạnh mẽ như cắt giảm lãi suất và kích thích kinh tế.
Các ngân hàng trung ương vẫn đang tăng nắm giữ vàng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ, đã giúp bù đắp dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF vàng) trong thời gian qua.
Một phần nguyên nhân là do căng thẳng địa chính trị như xung đột tại Ukraine và đại dịch. Các ngân hàng trung ương đã mua trung bình 1.060 tấn vàng từ năm 2022 đến năm 2023, so với 509 tấn được mua từ năm 2016 đến năm 2019.
Sự gia tăng này diễn ra khi Trung Quốc giảm tỷ lệ nắm giữ USD trong dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, một số quốc gia khác như Ba Lan cũng tăng cường dự trữ vàng.
Báo cáo của Goldman Sachs dự báo hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ vẫn mạnh mẽ nhờ vào việc đa dạng hóa dự trữ của các nền kinh tế mới nổi và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vào kim loại quý này vẫn chưa hồi phục. Việc các ETF gần đây không mua vào là do lượng nắm giữ vàng đã ở mức cao. Xung đột tại Ukraine và cuộc khủng hoảng của các ngân hàng Mỹ đã thúc đẩy hoạt động đầu tư vàng trong những năm gần đây và lượng vàng nắm giữ vẫn ở mức cao, dù lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ tăng.
Trong lịch sử, những thay đổi trong việc nắm giữ quỹ ETF vàng thường diễn ra khi có những diễn biến khiến nhà đầu tư tránh rủi ro và trong các chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo lượng nắm giữ ETF sẽ tăng lên khi Fed bắt đầu hạ lãi suất.
Tại Trung Quốc, vàng là một trong những tài sản tăng giá mạnh nhất trong năm 2023 trước nhu cầu tìm kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng sự giảm sút của thị trường bất động sản và những lo ngại của nhà đầu tư về thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu bán lẻ vàng tại nước này tăng mạnh trong năm tới./.