Cà Mau: Nói không với khai thác thủy, hải sản ‘‘tận diệt’’

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư thực hiện tốt quy định về khai thác hải sản.

Tàu cá neo đậu trên vùng biển huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN))

Nhằm ngăn chặn, hướng tới dần chấm dứt tình trạng dùng các công cụ, phương thức đánh bắt trái quy định của pháp luật trên khu vực biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư thực hiện tốt quy định về khai thác hải sản, nói không với sử dụng kích điện nhằm khai thác ''tận diệt'' nguồn lợi thủy sản.

Nâng cao nhận thức của ngư dân

Ông Lý Văn Tùng đã có nhiều năm làm nghề biển ở Ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Ông chia sẻ, bản thân ông và ngư dân ở vùng biển Khánh Hội đều thông hiểu những tác hại của việc dùng xung điện trong khai thác thủy, hải sản. Ngư dân thường xuyên nhắc nhở, bảo nhau phải tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

Theo ông Tùng, hành vi dùng xung điện đánh bắt là sai nhưng không phải cứ bắt giữ, xử phạt là có thể xử lý triệt để vấn đề. Ông rất ủng hộ việc làm của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng là tuyên truyền, vận động để người dân thấy được cái sai, tự nguyện giao nộp bộ kích điện.

Ông Hà Văn Hoài ở xã Giục Tường, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang (tạm trú ấp 3, xã khánh Hội, huyện U Minh) đã tự nguyện tới Đồn Biên phòng Khánh Hội giao nộp kích điện. Ông Hoài bộc bạch, ông được các cán bộ Đồn Biên phòng tuyên truyền nên thấy rõ hành vi đánh bắt cá bằng kích điện là hết sức nguy hiểm và ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi thủy sản. Ông cam kết sẽ không tái phạm và tích cực vận động người thân, gia đình nếu đang sử dụng kích điện tự giác đến Đồn Biên phòng để giao nộp, tuyệt đối không vi phạm pháp luật.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, từ ngày 26/2 đến nay, qua tuần tra, đơn vị phát hiện, lập hồ sơ xử lý hành chính 3 vụ, 7 phương tiện khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt, tận diệt và hành vi tàng trữ, sử dụng kích điện để khai thác trong khu vực cấm.

Cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính một vụ, một phương tiện với số tiền 12,5 triệu đồng; có 2 vụ, 6 phương tiện đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý theo quy định.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các đồn Biên phòng trong tỉnh Cà Mau phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền được hơn 20 buổi, thu hút hơn 2.500 lượt người nghe.

Việc tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động ngư dân vùng biển là cách làm linh hoạt, thiết thực, mang lại hiệu quả tốt, giúp nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành pháp luật, các quy định của Nhà nước về khai thác thủy, hải sản, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu vực biên giới biển.

Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát biên phòng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình; triển khai 9 chốt và một tổ công tác kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có Trạm Kiểm soát Biên phòng; kiểm tra 6.801 lượt tàu cá, 15.766 lượt người.

Cùng với đó, đơn vị triển khai 84 lượt tổ/310 lượt cán bộ, chiến sĩ tuần tra, kiểm soát lưu động tại các cửa sông, cửa lạch khu vực ven biển, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tàu cá tàng trữ kích điện để khai thác.

Kiên quyết ngăn chặn hành vi khai thác ‘‘tận diệt’’

Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau quản lý đường biên giới quốc gia trên biển dài 258,62 km, vùng biển rộng khoảng 16.817 km2. Khu vực biên giới biển có 23 xã, thị trấn, thuộc 6 huyện ven biển, có hơn 80 cửa sông thông ra biển. Cà Mau là một trong bốn ngư trường khai thác hải sản trọng điểm của cả nước, lưu lượng tàu cá hoạt động khai thác tương đối lớn.

Nhằm ngăn chặn, hướng tới dần chấm dứt tình trạng dùng các công cụ, phương thức đánh bắt trái quy định trên khu vực biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau phối hợp chặt chẽ các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo khác có liên quan.

Đại tá Nguyễn Quang Hà, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết: Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ phương tiện trên địa bàn. Qua đó, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác trong khu vực cấm.

Đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội địa phương thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, vận động ngư dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác hải sản.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Quang Hà, do nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, nhiều ngư dân dùng bộ kích điện để đánh bắt. Hình thức đánh bắt mang tính tận diệt này là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến sự bảo tồn, phát triền nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Cà Mau.

Việc sử dụng công cụ kích điện là hành vi vi phạm pháp luật, đã bị ngành Thủy sản nghiêm cấm sử dụng dưới mọi hình thức vì sẽ hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

Người đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng và tịch thu công cụ xung điện, kích điện. Với tổ chức, khi thực hiện hành vi đánh bắt cá bằng xung điện, kích điện sẽ bị phạt từ 6 đến 10 triệu đồng theo khoản 2, Điều 5 Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn.

Bộ đội Biên phòng phối hợp cấp ủy, chỉnh quyền các địa phương ven biển mở cao điểm tuyên truyền, vận động ngư dân tự nguyện giao nộp bộ kích điện; kêu gọi người dân không tham gia, không mua bán, sử dụng xung điện để đánh hải sản trên vùng biển.

Song hành với tuyên truyền, vận động người dân giao nộp kích điện, hiểu và không khai thác thủy, hải sản trái phép, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau còn thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)./.