Gia tăng người mắc bệnh cơ xương khớp và ngày càng trẻ hóa
Những bệnh liên quan đến cơ xương khớp khá phổ biến như: bệnh liên quan đến bàn tay, bàn chân, đau vai gáy, đau cột sống, thoát vị đĩa đệm, liệt nửa người do hậu quả của bệnh lý mạch máu não, đột quỵ…
Tại Hội thảo cập nhật những ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot trong phục hồi chức năng diễn ra ngày 16/5 tại Hà Nội, Phó giáo sư Lê Mạnh Cường - Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay tỷ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp rất cao và đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Những bệnh liên quan đến cơ xương khớp khá phổ biến như: Bệnh liên quan đến bàn tay, bàn chân, đau vai gáy, đau cột sống, thoát vị đĩa đệm, liệt nửa người do hậu quả của bệnh lý mạch máu não, đột quỵ…
Theo thống kê của ngành y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng người mắc bệnh cơ xương khớp ở mức cao, với hơn 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi. Bệnh không chỉ phổ biến ở người già mà tỷ lệ mắc ở người trẻ đang ngày một gia tăng.
Phó giáo sư Lê Mạnh Cường cho biết hệ vận động hay cơ xương khớp rất ít khi được chú ý cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu của lão hóa, người bệnh mới nhận ra bị các vấn đề cơ xương khớp gây giảm hiệu suất công việc và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, trong lối sống ngày nay, mọi người thường làm việc ngồi ở một vị trí trong nhiều giờ đồng hồ liền, khoảng 3-4 tiếng dễ gây ê cổ vai gáy và các khớp vận động trên cơ thể và cột sống. Tác động của của bệnh lý cơ xương khớp đến mỗi người có thể thay đổi với các triệu chứng nhẹ đến các rối loạn chức năng nghiêm trọng, thậm chí là di chứng tàn tật. Nó gián tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động, gây mất ngày công lao động và đẩy chi phí y tế tăng lên.
Đáng lưu ý khi hiện nay nhiều người do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, phát hiện muộn hay chủ quan không điều trị sớm, đúng cách khiến lượng người mắc cơ xương khớp tăng cao, để lại nhiều di chứng, hậu quả nặng nề nhất là tàn phế.
Phó giáo sư Lê Mạnh Cường cho hay trên các kết quả nghiên cứu của thế giới ứng dụng trí tuệ nhân tạo và robot trong điều trị bệnh cơ xương khớp và phục hồi chức năng đem lại hiệu quả cao, giúp nhanh chóng phục hồi chức năng của cơ thể.
Robot giúp phục hồi chức năng có khả năng thu thập các tín hiệu điện cơ tự nhiên từ cơ bắp của bệnh nhân và phân tích chúng. Điều này giúp xác định hoạt động và biểu hiện cảm xúc của cơ bắp, từ đó tăng khả năng chẩn đoán và điều chỉnh trong quá trình phục hồi.
Bên cạnh đó, robot cũng tạo ra tín hiệu phản hồi âm thanh, hình ảnh và rung cơ bắp để hướng dẫn và khích lệ bệnh nhân trong quá trình tập luyện. Tín hiệu phản hồi này giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về hoạt động cơ bắp và thực hiện các động tác một cách chính xác.
Hội thảo là dịp để các bác sĩ cập nhật ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và robot trong điều trị bệnh cơ xương khớp và phục hồi chức năng.
Để phòng chống bệnh cơ xương khớp, Phó giáo sư Lê Mạnh Cường khuyến cáo mỗi người nên thường xuyên vận động, ngồi khoảng 15-20 phút cần đứng lên đi lại để thay đổi tư thế, giúp cơ xương khớp linh hoạt, tránh ngồi hay đứng quá lâu, hạn chế làm việc quá sức, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi./.