Hơn 500 chuyên gia bàn cách xây dựng đại học định hướng đổi mới sáng tạo
Làm thế nào để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các trường đại học là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 diễn ra hôm nay, 16/5.
Ngày 16/5, diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 với chủ đề Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển đại học định hướng đổi mới sáng tạo đã diễn tại Đại học Quốc gia Hà Nội với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.
Đây là sự kiện thường niên do Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp tổ chức nhân kỷ niệm ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5) và thực hiện Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Sự kiện nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự đổi mới và sáng tạo trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Với chủ đề "Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển đại học định hướng đổi mới sáng tạo," nội dung diễn đàn nhấn mạnh vào việc phát triển các trụ cột chính là chính sách - đào tạo - nghiên cứu, chuyển giao tri thức.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là ba yếu tố quan trọng, có tính đột phá, là ba nhiệm vụ quan trọng nhất của các trường đại học. Trong đó, đổi mới sáng tạo là yêu cầu mới nhất và khó nhất trên nhiều phương diện, từ mô hình hoạt động đến thể chế chính sách, nguồn lực, đội ngũ và sử dụng kết quả nghiên cứu.
Vì vậy, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, diễn đàn là cơ hội để các bên cùng nhìn lại các cơ chế chính sách và đề ra giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, trong đó việc kết nối là yếu tố quan trọng.
Đây cũng là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông. Theo Thứ trưởng Đông, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ là động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia cần chủ động và nhanh chóng nắm bắt, tận dụng những thành quả và cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã xác định đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là một động lực cho phát triển.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, các cơ quan liên quan cần phải hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đào tạo để các trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là môi trường lý tưởng để khuyến khích và hỗ trợ cán bộ, những nhà trí thức, nhà khoa học, sinh viên trong ứng dụng và phát triển các ý tưởng, sản phẩm, mô hình đổi mới sáng tạo vào thực tiễn.
“Diễn đàn hôm nay sẽ là cơ hội để mở rộng kết nối đối với tất cả các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhất là khối các trường đại học, cao đẳng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lắng nghe các ý kiến thảo luận và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp, chương trình, dự án hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo,” ông Đông nói.
Mong muốn lắng nghe các ý kiến để đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các trường đại học cũng là chia sẻ của Tiến sỹ Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội.
Diễn đàn diễn ra sôi nổi trong cả ngày hôm nay với phiên toàn thể về chính sách và chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong trường đại học và hai phiên chuyên đề. Trong đó, tại phiên chuyên đề 1, các đại biểu sẽ cùng thảo luận về hướng đi và thách thức của đào tạo sáng tạo và chuyển đổi số trong giáo dục cũng như việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo lập tài sản trí tuệ, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Phiên chuyên đề hai tập trung thảo luận về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên gắn với phát triển Thủ đô Hà Nội và khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Vì vậy, diễn đàn không chỉ là cơ hội để gắn kết các nhà khoa học, chuyên gia gia, các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của cả nước mà còn là cơ hội để cùng nhìn nhận, đánh giá thực trạng công tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay, phân tích các bài học thành công và học tập kinh nghiệm của nước ngoài để từ đó đề xuất các giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo trong các trường đại học ở Việt Nam./.