Giá tăng cao, các doanh nghiệp càphê vẫn phải nếm 'vị đắng'
Dù có thuận lợi về xuất khẩu và giá bán tăng cao khi thị trường mở cửa trở lại, nhưng doanh nghiệp càphê vẫn đang gặp phải không ít khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao.
Doanh nghiệp trồng và chế biến càphê đang đứng trước cơ hội tăng trưởng về doanh thu do nhu cầu tiêu dùng cao hơn khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Các nhà hàng, quán càphê mở cửa trở lại, cùng với hoạt động thu hái, vận chuyển, thu mua, chế biến càphê để xuất khẩu cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, chi phí sản xuất tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành nếm “vị đắng.” Do đó năm 2022, dù doanh nghiệp càphê đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng cao, nhưng mục tiêu lợi nhuận lại rất thấp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nửa đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu càphê đạt giá trị trên 2 tỷ USD, với gần 1 triệu tấn, tăng 23,3% về lượng và tăng hơn 50% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá xuất khẩu càphê mà các doanh nghiệp ký được trong nửa đầu năm nay đạt trung bình trên 2.250 USD/tấn, tăng thêm 40% so với giá xuất khẩu 6 tháng đầu năm ngoái.
Giá càphê xuất khẩu khởi sắc đã mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường càphê trong nước. Chủng loại càphê xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là Robusta, chiếm khoảng 87,5% lượng càphê xuất khẩu.
Thực tế, dù có thuận lợi về xuất khẩu và giá bán tăng cao, nhưng doanh nghiệp càphê đang gặp không ít khó khăn. Công ty cổ phần VinaCafé Biên Hòa (mã chứng khoán: VCF) đánh giá tình hình chiến sự bất ổn của thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột vũ trang tại Đông Âu vào đầu năm 2022 sẽ làm cho giá cả đầu vào như giá dầu, nguyên vật liệu và bao bì tăng cao.
Năm 2022, VinaCafé Biên Hòa đặt mục tiêu doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 2.900 tỷ đồng và mục tiêu lãi sau thuế cao nhất 600 tỷ đồng, thấp nhất về 500 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh này thấp hơn kế hoạch kinh doanh năm 2021. Cụ thể, năm 2021, VinaCafé Biên Hòa đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt thấp nhất 2.900 tỷ đồng và cao nhất 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế phân bổ về cho cổ đông công ty ước đạt thấp nhất 710 tỷ đồng và cao nhất 730 tỷ đồng.
Tuy nhiên lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của VinaCafé Biên Hòa chỉ đạt 2.217 tỷ đồng, giảm 23,6% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 429 tỷ đồng, giảm 41% so với năm 2020. Với kết quả đạt được, VinaCafé Biên Hòa chỉ hoàn thành 76% chỉ tiêu doanh thu và 60% chỉ tiêu lợi nhuận (theo kế hoạch thận trọng).
Ba tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của VinaCafé Biên Hòa đạt 426 tỷ đồng. Lãi sau thuế là 82,5 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 1/2022, VinaCafé Biên Hòa mới hoàn thành 17% mục tiêu doanh thu và 16,5% chỉ tiêu doanh thu (theo kế hoạch kinh doanh thận trọng). Mặc dù chưa có báo cáo kinh doanh 6 tháng nhưng kết quả quý 1 sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận của doanh nghiệp.
[Sáu tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu càphê tăng gần 50%]
Thực tế, các doanh nghiệp trồng và chế biến càphê đã và đang gặp khó khăn khi giá phân bón tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, Nga - nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới đã tạm dừng xuất khẩu từ tháng 3/2022 làm cho nguồn cung phân bón trên thế giới giảm, tạo áp lực tăng giá lên giá xuất và nhập khẩu phân bón.
Cụ thể, giá nhập khẩu phân bón 6 tháng đầu năm tăng 43,9% do nguồn cung phân bón đang khan hiếm và chi phí vận chuyển tăng cao. Nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới. Giá xuất khẩu cũng tăng 52,96% so với nửa đầu năm 2021.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi phí phân bón chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất, tới 50%. Trước lo ngại chi phí có thể “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp, hầu hết các công ty trồng và chế biến càphê niêm yết trên sàn chứng khoán còn lại đều đặt kế hoạch doanh thu cao, nhưng lợi nhuận “èo uột.”
Năm 2022, Công ty cổ phần Càphê Thuận An (mã chứng khoán: TAN) đặt kế hoạch doanh thu hơn 19 tỷ đồng, tăng 36,7% so với số thực hiện năm 2021, nhưng kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ là 1,7 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 3,3% so với số thực hiện năm ngoái.
Hay như Công ty cổ phần Càphê Phước An (mã chứng khoán: CPA) cũng đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 tăng hơn 96% so với số thực hiện năm 2021, đạt hơn 116,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế công ty đặt ra chỉ là 4,96 tỷ đồng, giảm hơn 67,5% so với số thực hiện năm ngoái.
Trước đó, doanh thu năm 2021 của công ty đạt hơn 59,3 tỷ đồng, giảm gần 35% so với năm 2020; trong khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 15,2 tỷ đồng, giảm 43,5% so với năm 2020.
Năm 2022, Công ty cổ phần Càphê Gia Lai (mã chứng khoán: FGL) cũng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng. Cụ thể, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu hơn 51,44 tỷ đồng, nhưng dự kiến chi phí có thể lên tới hơn 50,3 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận mục tiêu công ty đặt ra chỉ hơn 1 tỷ đồng. Trước đó năm 2021, công ty đạt doanh thu hơn 39 tỷ đồng và lợi nhuận cũng chỉ đạt được hơn 432,5 triệu đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Càphê Thắng Lợi (mã chứng khoán: CFV) đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 đạt 398,59 tỷ đồng, tăng 132,4% so với doanh thu thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 4,07 tỷ đồng, giảm 31% so với năm ngoái.
Công ty cổ phần Càphê PETEC (mã chứng khoán: PCF) đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu lên tới 250 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp này chỉ có tham vọng lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 100 triệu đồng. Trước đó năm 2021, doanh thu của công ty cà phê này đạt 284,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 74,1 triệu đồng.
Như vậy có thể thấy rằng, dù có nhiều thuận lợi khi giá cà phê thế giới và trong nước tăng mạnh, nhưng việc giá cả đầu vào cao khiến nhiều doanh nghiệp trồng và chế biến càphê lo ngại doanh thu tăng không bù nổi chi phí. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp trồng và chế biến cà phê đều đặt kế hoạch doanh thu cao, nhưng lợi nhuận thấp trong năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu càphê không được giới đầu tư quan tâm nhiều. Do đó, thanh khoản của các mã cổ phiếu ngành này rất thấp, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch.
Hiện nay, VCF là cổ phiếu có thị giá cao nhất ngành cà phê. Chốt phiên 15/7, VCF có giá 228.000 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ 2,56% so với chốt phiên giao dịch đầu năm (4/1), TAN từ đầu năm đến nay không có giao dịch và vẫn ở mức giá 55.100 đồng/cổ phiếu.
Cùng ngày, cổ phiếu CPA có giá 11.500 đồng/cổ phiếu, tăng 15% so với phiên giao dịch đầu năm; FGL có giá 12.500 đồng/cổ phiếu, không đổi so với đầu năm; CFV có giá 9.300 đồng/cổ phiếu, giảm 56,3%; PCF có giá 4.000 đồng/cổ phiếu, giảm 53,4%./.