Tổng Giám đốc IMF: Triển vọng kinh tế toàn cầu "không chắc chắn"
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva nhận định cuộc xung đột tại Ukraine đã gây thêm sức ép lên giá cả hàng hóa, năng lượng và tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn dự báo.
Ngày 16/7, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần hành động khẩn cấp để đối phó với tình trạng lạm phát, đồng thời cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu "đặc biệt không chắc chắn" có thể trở nên tồi tệ hơn nếu giá cả hàng hóa tiếp tục leo thang.
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 (FMCBG) diễn ra trong hai ngày 15-16/7 tại Indonesia, bà Georgieva nhận định cuộc xung đột tại Ukraine đã gây thêm sức ép lên giá cả hàng hóa, năng lượng và tình hình tài chính toàn cầu thắt chặt hơn dự báo.
Tình trạng gián đoạn do đại dịch COVID-19 và những khó khăn trong chuỗi cung ứng tiếp tục đặt gánh nặng lên hoạt động kinh tế. Theo đó, bà Georgieva kêu gọi các quốc gia phải làm mọi thứ có thể trong khả năng của họ để kiểm soát lạm phát.
Bà Georgieva cho rằng áp lực đang gia tăng đối với các nước đang phải gánh nhiều khoản nợ và tình hình nợ đang "xấu đi nhanh chóng," do đó đây là thời điểm cần đến các cơ chế giải quyết nợ.
Theo bà Georgieva, hơn 30% nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, cùng 60% quốc gia thu nhập thấp, đang ở trong hoặc gần mức nguy cơ không thể trả nợ.
Bà cho biết thêm những cam kết bổ sung cho Quỹ giảm nghèo và tăng trưởng bền vững (PRGT) của IMF - chương trình cho vay ưu đãi dành cho các nước nghèo, sẽ sớm được đưa ra. Hiện các nước thành viên G20 đã cam kết gần 10,5 tỷ USD cho quỹ PRGT, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu.
[Tổng giám đốc IMF dự báo bi quan về triển vọng kinh tế toàn cầu]
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva sau sự kiện này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn dầu, khiến giá dầu mỏ, khí đốt và ngũ cốc tăng mạnh, làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế tại nhiều nước vốn đã chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 tại Italy cũng đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lạm phát hàng tháng cao nhất trong 36 năm qua.
Lạm phát của Pháp trong tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1991 khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tại Đức, lạm phát đã tăng lên 7,9% trong tháng 5, mức cao nhất kể từ năm 1990 và cũng vượt xa mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương châu Âu.
Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ, một trong những nền kinh tế đầu tàu thế giới, cũng tăng mạnh với chỉ số lạm phát lĩnh vực bán buôn trong tháng 6 đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái./.