Gia tăng áp lực khi có bảng giá đất mới tiệm cận thị trường

Việc xây dựng bảng giá đất hàng năm tiệm cận thị trường sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai nhưng cũng gia tăng áp lực đối với địa phương, doanh nghiệp.

Một khu phố trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Theo các chuyên gia, bảng giá đất mới từ 1/1/2026 tại một số địa phương dự kiến sẽ tăng từ 2-7 lần, thậm chí cao hơn 10 lần so với bảng giá đất hiện tại.

Việc xây dựng bảng giá đất hàng năm tiệm cận thị trường sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai nhưng cũng gia tăng áp lực đối với địa phương, doanh nghiệp.

Đồng thời, có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, tăng giá đất và giá bán, giá cho thuê bất động sản.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây Hội đồng thẩm định bảng giá đất Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất bảng giá đất điều chỉnh theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, nếu bảng giá đất theo Quyết định 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của Ủy ban Nhân dân thành phố trước đó bằng khoảng 30% giá thị trường tại Thành phố Hồ Chí Minh thì bảng giá đất mới được điều chỉnh sẽ bằng khoảng 50%.

Qua các lần cân chỉnh, bảng giá lần này đã điều chỉnh giảm tại các tuyến đường, địa bàn quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Đặc biệt, giá đất thương mại, dịch vụ đã được điều chỉnh giảm sâu. Ví dụ, giá đất thương mại, dịch vụ tại đường Đồng Khởi điều chỉnh mới có giá thuê là xấp xỉ 550.000 đồng/m2, trong khi so với bảng giá theo quyết định Quyết định 02/2020/QĐ-UBND thì có giá hơn 9 triệu đồng.

Tương tự giá đất sản xuất kinh doanh (bao gồm cả đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khoáng sản; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp); đất quốc phòng, an ninh; đất công cộng; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp; đất phi nông nghiệp khác... cũng được điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, dù có điều chỉnh giảm so với dự thảo cách đây hơn 2 tháng, bảng giá đất ở dự kiến tăng bình quân hơn 20% cũng vẫn tạo áp lực không nhỏ lên người dân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo đánh giá từ Bộ Xây dựng, một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Đất đai 2024 là bỏ khung giá đất cũ. Thay vào đó, bảng giá đất được xác định "sát với thị trường" căn cứ trên mục đích, thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào, các yếu tố khác ảnh hưởng...

Đây là căn cứ để tính tiền sử dụng, thuê, thuế sử dụng đất, thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tính lệ phí quản lý, tiền phạt, bồi thường khi vi phạm trong lĩnh vực đất đai và giá khởi điểm để đấu giá.

Bộ Xây dựng tính toán, bảng giá đất mới sẽ làm tăng chi phí đầu tư xây dựng, đẩy giá nhà tăng từ 15 - 20%.

Đồng thời, chi phí sử dụng đất của các dự án bất động sản sẽ tăng lên khá nhiều khi áp dụng giá đất năm 2024.

Phó giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Khi Ủy ban Nhân dân các tỉnh xây dựng bảng giá đất, chắc chắn sẽ tiếp tục phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc tăng giá đất để phù hợp với thị trường và việc kiểm soát giá đất để tăng khả năng tiếp cận đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp và giảm chi phí cho người dân.

Cùng đó, tìm ra điểm cân bằng hợp lý giữa hai yếu tố này là "chìa khóa" để hoàn thiện hệ thống định giá đất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hiện doanh nghiệp bất động sản cũng đang đứng trước những thách thức mới, đặc biệt liên quan đến vấn đề đầu tư hạ tầng đi kèm dự án. Quy định về suất đầu tư, bao gồm cả chi phí lãi vay, đang tạo ra nhiều băn khoăn cho các doanh nghiệp.

Việc cộng gộp lợi nhuận ước tính với lãi suất vay vào suất đầu tư (ví dụ 15%) hoặc tính riêng từng khoản, cùng với chi phí dự phòng, đang khiến việc định giá đất trở nên phức tạp và thiếu chính xác.

Điều này đặt ra gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp, nhất là khi họ phải chịu toàn bộ chi phí đầu tư hạ tầng cho những dự án có quy mô lớn. Đơn cử tình trạng nhiều dự án tại Hà Nội, dù diện tích đất chỉ khoảng 120.000 m2, nhưng doanh nghiệp vẫn phải gánh trên vai toàn bộ chi phí đầu tư hạ tầng.

Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh, có những trường hợp giá trị thửa đất dự án tăng vọt từ 70 tỷ đồng lên đến 700 tỷ đồng, chủ yếu do áp lực chi phí hạ tầng.

Rõ ràng, việc kết hợp đầu tư hạ tầng với giá đất đang dẫn đến sự méo mó trong việc định giá đất, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

“Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, đặc biệt là những địa phương đã có sẵn cơ sở dữ liệu về giá đất, sẽ sớm xây dựng được phương pháp định giá đất hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định bảng giá đất phù hợp với thực tế từng địa phương," Phó giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ kỳ vọng.

Cũng nêu cao quan điểm, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2024/NĐ-CP ngày 27/6/2024 về việc "Quy định về giá đất"; trong đó, đã quy định các nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào và thứ tự ưu tiên và trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai.

Theo đó, có 5 nguồn thông tin: Nguồn thông tin từ cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, nhưng hiện chưa có, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng xây dựng trong thời gian tới; thông tin từ các tổ chức, trung tâm định giá đất, đấu giá đất, văn phòng đăng ký đất đai; thông tin qua khảo sát, điều tra của các tổ chức, đơn vị nghiên cứu và thông tin từ doanh nghiệp bất động sản, sàn bất động sản.

"Các doanh nghiệp bất động sản cần đồng thuận, nhận thức được vai trò, nghĩa vụ trong việc cung cấp thông tin giao dịch bất động sản tới cơ quan quản lý, thì mới xây dựng được dữ liệu thông tin bất động sản quốc gia," ông Lực nói.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng cho biết thêm, với những nguồn thông tin trên, tùy từng thời điểm, có nguồn nào thì sử dụng nguồn đó để xác định giá đất.

Khi thanh kiểm tra, giải trình thì đã có căn cứ, chứ không lo ngại việc vi phạm pháp luật, hình sự hóa.Đây cũng là tháo gỡ cho tâm lý "sợ sai" của tổ chức tư vấn định giá đất.

Theo đó, Luật quy định rất rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của Tổ chức tư vấn định giá đất.

Trách nhiệm của tổ chức tư vấn là đảm bảo theo nguồn thông tin đầu vào đã quy định, xác thực; phương pháp luận hợp lý; nhưng không phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của giá đất. Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm cuối cùng.

Còn cơ quan đề xuất bảng giá đất hàng năm đã chuyển từ Sở Tài chính sang Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương.

Bên cạnh đó, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng cho biết, khi đi thực tế đã gặp một số địa phương vẫn đang nhầm lẫn, sử dụng Nghị định 12/2024/NĐ-CP để tính giá đất.

Đây là Nghị định ban hành ngày 5/2/2024 để sửa Nghị định 44/2014/NĐ-CP và sau đó đã có Nghị định 71/2024/NĐ-CP bao trùm, thay thế các Nghị định cũ thì tất cả đều phải thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định 71/2024./.