Không lo đầu ra bị ế ẩm nhờ liên kết sản xuất 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, người nông dân được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu yên tâm sản xuất không lo về đầu ra của sản phẩm bị ế ẩm, mất giá.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp. Ngành sản xuất này thu hút nhiều nhân lực, nhất là trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Với mong muốn tăng cường liên kết của các bên tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo, Hội thảo “Liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao” đã được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang ngày 25/10.
Liên kết chỉ 26% tổng diện tích gieo trồng
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tác nhân chính tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm cơ sở cung cấp vật tư đầu vào, nông dân canh tác lúa hoặc thông qua hợp tác xã, hệ thống thu mua lúa, doanh nghiệp hoạt động trong các khâu sấy, xay xát, đánh bóng, xuất khẩu, phân phối nội địa và người tiêu dùng. Đặc trưng của chuỗi này là hàng nghìn cơ sở cung cấp vật tư đầu vào, hàng chục nghìn thương lái thu mua lúa và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong các công đoạn xay chà, đánh bóng, xuất khẩu, tiêu thụ nội địa.
Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3 kênh tiêu thụ lúa chủ yếu gồm nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu, chiếm 12,1% tổng sản lượng lúa; nông dân bán lúa qua hợp tác xã, chiếm 37,5% tổng sản lượng lúa, để phân phối lại cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hoặc qua thương lái; nông dân bán qua thương lái, chiếm 50,4% tổng sản lượng lúa và phân phối lại cho các đối tượng khác.
Ông Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác và trang trại (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết mặc dù kênh tiêu thụ lúa, trong đó nông dân qua hợp tác xã cung cấp lúa cho doanh nghiệp có xu hướng tăng nhưng thực sự vẫn chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ, dài hạn và hiệu quả cao, đồng thời diện tích có liên kết sản xuất-tiêu thụ giữa nông dân/hợp tác xã và doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long còn rất thấp. Cùng với đó, số doanh nghiệp có đủ năng lực để trực tiếp mua lúa của nông dân hoặc hợp tác xã và có cơ sở sấy, xay chà, đánh bóng để sản xuất ra gạo không nhiều.
Ông Nguyễn Tiến Định cũng nêu ra thực trạng đang diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long trong liên kết chuỗi lúa gạo là các doanh nghiệp liên kết thu mua lúa gạo bao gồm liên kết thu mua trực tiếp với hộ nông dân; với tổ chức nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác; hoặc liên kết thu mua thông qua thương lái, đại lý vật tư nông nghiệp chỉ thu mua khoảng 26% tổng diện tích gieo trồng lúa cả vùng, khoảng 442 nghìn ha đất trồng lúa của vùng, tương đương khoảng 1 triệu ha diện tích gieo trồng lúa/năm.
Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, chủ yếu có Tập đoàn Lộc Trời khoảng 100.000 ha lúa/vụ và Công ty Trung An khoảng 10.000 ha lúa/vụ). Và diện tích lúa liên kết cánh đồng lớn được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước thời vụ sản xuất đạt 20%, khoảng 300.000 ha/vụ. Còn lại là các doanh nghiệp thu mua lúa gạo tự do, không qua liên kết thu mua.
Không lo đầu ra bị ế ẩm
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20 đến 25%, thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường.
Nguyên nhân làm giảm chi phí giá thành sản xuất lúa là do nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đã đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đồng thời còn làm tăng chất lượng lúa gạo, tăng giá trị lúa gạo và giá bán. Đặc biệt, người nông dân được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu yên tâm sản xuất không lo về đầu ra của sản phẩm bị ế ẩm, mất giá.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang, cho biết đối với Hậu Giang, tỉnh đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai diện tích thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là 28.000 ha, tập trung vào củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT); đến năm 2030 sẽ tăng lên đạt diện tích 46.000 ha, thực hiện tại 6/8 đơn vị cấp huyện.
Đến thời điểm hiện tại, Hậu Giang đã hoàn thành việc triển khai lựa chọn, xác định các vùng tham gia Đề án, rà soát đáp ứng tiêu chí và phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh. Đồng thời, trong năm 2024, tỉnh cũng đã và đang triển khai thực hiện các mô hình điểm cấp tỉnh, huyện với tổng diện tích 180 ha, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như tưới nước ướt khô xen kẽ, 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP...
Mặc dù, Đề án chỉ mới được triển khai thí điểm tại một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nhưng bước đầu đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Các mô hình thuộc Đề án giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo sức khỏe cho bà con, người tiêu dùng và môi trường.
Việc thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức sản xuất lại một cách bài bản, đồng bộ, tiếp tục xây dựng các cánh đồng lớn, hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác hay tổ chức của nông dân.
Theo ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp là việc thỏa thuận tự nguyện cùng đầu tư sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao, phát thải thấp của các bên tham gia liên kết. Từ đó giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và được tổ chức theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa gạo.
Mô hình liên kết cần khuyến khích giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác. Không khuyến khích hình thức mua-bán do kém bền vững. Cần khuyến khích liên kết từ khâu sản xuất-thu hoạch-bảo quản-chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp yêu cầu thị trường từ đó ổn định, nâng cao giá bán; giảm chi phí sản xuất; nâng cao hiệu quả, mang lại lợi ích cho nông dân, hạn chế phá vỡ hợp đồng.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng việc liên kết theo chuỗi ngành hàng lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp nhằm gia tăng nguồn thu nhập cho nông dân, qua việc gia tăng các giá trị trong sản xuất. Vì giá bán lúa gạo không thể tăng mãi được mà đến mức giá nào đó sẽ ổn định.
Song song đó, việc liên kết sản xuất lúa chất lượng cao góp phần áp dụng các kỹ thuật và công nghệ tăng hiệu suất sử dụng phân bón, bao gồm sạ hàng hoặc cụm kết hợp vùi phân. Cũng như khuyến cáo việc tuân thủ quy trình bón phân - tránh việc bón thừa, bón sai - bón không đúng nhu cầu cây trồng…
Toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 180 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo có tham gia thu mua lúa gạo tại đây. Hiện diện tích gieo trồng lúa của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3,89 ha/năm, khoảng 1,7 triệu ha diện tích đất trồng lúa, chiếm 53,7% diện tích trồng lúa của cả nước; sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây ổn định từ 24 triệu tấn/năm đến 25 triệu tấn/năm.
Do đó, với xu hướng phát triển sản xuất lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là áp dụng quy trình canh tác tiên tiến; ứng dụng công nghệ cao; thích ứng Biến đổi Khí hậu; truy xuất nguồn gốc... nên vấn đề liên kết chuỗi giá trị được thúc đẩy mạnh mẽ.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tăng liên kết chuỗi lúa gạo thời gian tới chính là tăng quy mô diện tích, sản lượng, số hộ nông dân tham gia liên kết; hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện liên kết nhiều hơn; việc liên kết thực hiện bền vững, thực hiện đúng hợp đồng, tránh đứt gãy hợp đồng.
Cũng như khuyến khích doanh nghiệp tham gia Đề án, ký kết hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, đào tạo tập huấn, chuyển giao cho nông dân trồng lúa và hợp tác xã biện pháp canh tác bền vững. Từ đó, thông qua việc xây dựng các chuỗi liên kết bền chặt và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ từng bước hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh./.