Giá dầu cao - 'phép thử' nhu cầu tiêu thụ của thị trường châu Á
Hoàng tử Saudi Arabia cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ có nhu cầu dầu tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng nhu cầu của họ sẽ vẫn ổn định cho dù giá có tăng cao đến đâu.
Hoàng tử Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman, kiêm Bộ trưởng Năng lượng của nước này, thường xuyên nhắc nhở thế giới rằng mục tiêu chính của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác còn gọi là OPEC+ là duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ.
Điều này đã được ông Salman nhắc lại vào tháng trước tại Hội nghị Dầu khí Thế giới ở Calgary, Canada.
Theo ông Salman, việc cắt giảm mạnh sản lượng dầu thô, đang được các thành viên chủ chốt của OPEC+ thực hiện là “chủ động, phòng ngừa và đề phòng” khi nhu cầu dầu toàn cầu không như mong đợi.
[Giá dầu xuống dưới 90 USD sau khi Israel hoãn tấn công đổ bộ Gaza]
Nói cách khác, nhóm các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu đang hành động trước để tránh khả năng nhu cầu chậm lại có thể khiến lượng tồn kho dầu tăng và giá sụt giảm.
Tuy nhiên, quan điểm này dường như bỏ qua những đợt tăng giá và biến động của thị trường do việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ gây ra, giữa bối cảnh lo ngại rằng nguồn cung thực sự có thể thiếu hụt nhiều hơn so với nhu cầu tiêu thụ.
Tác động lạm phát của giá dầu cao có thể lan tới mọi khu vực của nền kinh tế thế giới và cản trở tăng trưởng.
Những tác động như vậy có thể đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực châu Á mới nổi, nơi tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng đã trở lại mức trước đại dịch.
Khu vực này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu và sự suy yếu của các đồng tiền quốc gia so với đồng USD có nghĩa là giá dầu cao hơn sẽ khiến lượng dự trữ ngoại hối giảm nhiều hơn.
Châu Á là thị trường nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất của Saudi Arabia và các nước Trung Đông khác.
Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt là những nước mua ròng dầu thô lớn nhất và lớn thứ hai thế giới. Cả hai nước đều cho thấy nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ từ đầu năm đến nay, nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng nhu cầu của họ sẽ vẫn ổn định cho dù giá có tăng cao đến đâu.
Thực tế là giá dầu cao kéo dài đã thúc đẩy các chính phủ châu Á tập trung hơn vào các nguồn năng lượng thay thế, từ nhiên liệu sinh học và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã lên tới gần 3 triệu thùng/ngày.
Các chính sách của Saudi Arabia có ảnh hưởng lớn đến giá dầu không chỉ nhờ vai trò là nhà lãnh đạo của OPEC+ mà còn vì nước này đã đơn phương cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7/2023, sau khi ban đầu cam kết giảm 500.000 thùng/ngày cùng với các nước khác.
Vài ngày sau bài phát biểu của Hoàng tử Abdulaziz ở Calgary, Nga đã gây chấn động thị trường khi tuyên bố lệnh cấm vô thời hạn đối với xuất khẩu dầu diesel, một sản phẩm dầu tinh chế được sử dụng trong giao thông cá nhân và công cộng, cũng như trong sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.
Động thái của Nga nhằm giải quyết tình trạng giá cao trong nước đã làm mất đi nguồn cung hàng ngày tương đương khoảng 1 triệu thùng của thị trường toàn cầu đối với loại nhiên liệu vốn đã thiếu hụt do việc cắt giảm của OPEC+. Nguồn cung dầu và khí đốt của Nga vẫn dễ bị tổn thương trong bối cảnh phương Tây vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt.
Thị trường cũng bị ảnh hưởng từ các điểm nóng địa chính trị ở Trung Đông giàu dầu mỏ. Xung đột giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas bùng phát hôm 7/10 không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu nhưng có nguy cơ lôi kéo sự tham gia của các nước sản xuất dầu khí láng giềng.
Những rủi ro này khiến các nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu phải duy trì lượng tồn kho cao, nhưng việc cắt giảm sâu sản lượng của OPEC+ thực sự đang làm xói mòn “tấm đệm” đó.
Ngày 27/9, giá dầu thô Brent Biển Bắc đạt mức cao nhất trong 10 tháng là 96,55 USD/thùng, tăng 18% so với mức giá hồi đầu năm và cao hơn 34% so với mức thấp của thị trường được ghi nhận vào đầu tháng Sáu.
Mặc dù giá đã “hạ nhiệt” sau đó, song giữa bối cảnh Bắc Bán cầu sắp bước vào mùa Đông, tâm lý thị trường vẫn dễ bị tổn thương trước những lo lắng về nguồn cung. Điều này có khả năng tạo tiền đề cho nhiều đợt tăng đột biến và biến động mạnh của giá dầu.
Có thể hiểu rằng các nước thành viên OPEC+ rất muốn bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động của việc giá dầu thô giảm xuống dưới 70 USD/thùng vì điều đó có nghĩa là doanh thu từ dầu mỏ của họ sẽ giảm từ 30% trở lên so với mức tương ứng của năm ngoái.
Ngay cả khi người tiêu dùng tỏ ra quen với lạm phát cao trong ngắn hạn, họ cũng không tránh khỏi áp lực chi phí kéo dài, mặc dù một số tác động có thể chỉ xuất hiện dần dần.
Điều này một phần là do một số nhu cầu bị dồn nén còn sót lại sau nhiều năm hạn chế do đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Số tiền tiết kiệm tích lũy của các hộ gia đình có thể củng cố nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Ngoài ra, tác động của chi phí đi vay cao hơn khi các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài có thể dần dần lan truyền đến khu vực doanh nghiệp, thị trường việc làm và cuối cùng là chi tiêu của người tiêu dùng.
Trên thực tế, đã có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng nhu cầu dầu ở châu Á đang bắt đầu giảm. Nhập khẩu dầu thô vào khu vực này giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9/2023, một phần do kế hoạch bảo trì theo mùa tại các nhà máy lọc dầu, nhưng cũng phần nào do giá dầu tăng cao.
Theo dữ liệu của London Stock Exchange Group, châu Á đã ghi nhận lượng dầu thô nhập khẩu 24,95 triệu thùng/ngày vào tháng trước, sau khi nhập 25,22 triệu thùng trong tháng Tám và 27,92 triệu thùng trong tháng Bảy.
Hoàng tử Abdulaziz nói rằng OPEC+ giống như “ngân hàng trung ương của thế giới dầu mỏ.” Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng: hầu như không có bất kỳ độ trễ chính sách nào đối với dầu. Giá “vàng đen” phản ứng khá nhanh với sự mất cân bằng cung cầu, bởi vậy OPEC+ cũng phải phản ứng nhanh tương tự./.