Ngành hàng xa xỉ thế giới đang ở trong giai đoạn thoái trào
Người mua sắm ở châu Âu và Mỹ đang cắt giảm các khoản chi tiêu xa xỉ, trong khi thị trường này ở Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp vì tỷ lệ thất nghiệp cao và cuộc khủng hoảng bất động sản.
Các tập đoàn trong ngành hàng xa xỉ đang ở giai đoạn thoái trào của sự bùng nổ hậu đại địch COVID-9, khi người tiêu dùng tại Mỹ và Trung Quốc ngày càng căn ke hơn trong các quyết định mua sắm của mình.
Ngành hàng xa xỉ đã có nhiều năm tăng trưởng vượt bậc nhờ hai động lực là Trung Quốc và Mỹ, thị trường xa xỉ phẩm lớn nhất, nơi xu hướng tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch và các biện pháp kích thích tài chính đã sản sinh ra một lớp tín đồ mua sắm mới. Nhưng giờ đây đang có nhiều dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng này có thể đang đạt đỉnh, nhất là ở Mỹ.
[Doanh số tăng mạnh, Hermes ngược xu hướng giảm mua sắm hàng xa xỉ]
Các công ty từ LVMH của Pháp, đến Prada của Italy và Richemont của Thụy Sỹ, đều ghi nhận tăng trưởng doanh số giảm tốc.
Người mua sắm ở châu Âu và Mỹ đang cắt giảm các khoản chi tiêu xa xỉ, trong khi thị trường này ở Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp vì tỷ lệ thấp nghiệp cao ở người trẻ và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Xu hướng này thậm chí đã tác động tiêu cực đến cả thị trường chứng khoán Pháp nói chung do sự phụ thuộc lớn vào ngành hàng xa xỉ.
Mới đây, sự suy yếu của ngành này, cùng với giá dầu gia tăng, đã khiến Paris để mất vị trí thị trường chứng khoán giá trị nhất châu Âu cho London.
Theo công ty tư vấn Bain, đà tăng của ngành hàng xa xỉ đã xô đổ các kỷ lục vào năm 2022, với mức tăng khoảng 20% lên 345 tỷ euro (khoảng 363,57 tỷ USD), khi nhu cầu đối với những mặt hàng từ túi xách Birkin đến các tour du lịch hạng sang đã tăng mạnh.
Ngành này được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030, nhưng tốc độ tăng trưởng của cả năm nay được dự báo chỉ ở mức 5-12%.
Khác với dự đoán của các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã ổn định một cách bất ngờ bất chấp những nỗ lực kìm hãm nhu cầu của các ngân hàng trung ương toàn cầu bằng cách tăng lãi suất.
Nhưng khi thị trường lao động đã hạ nhiệt, tăng trưởng tiền lương chậm lại và “bóng ma” suy thoái ngày càng rõ nét, nhiều người mua sắm đã bắt đầu “chùn tay.” Chi tiêu cho các du thuyền, phi cơ, trang sức và các mặt hàng xa xỉ khác đã giảm xuống.
Dù vậy, Hermès là một ngoại lệ hiếm hoi, với doanh thu quý 3/2023 tăng 15,6% lên 3,37 tỷ euro, vượt dự đoán của giới phân tích.
Thương hiệu hàng xa xỉ này của Pháp dường như bất chấp các “cơn gió ngược” kinh tế, và thách thức cả quy luật nhu cầu chi phối các ngành hàng khác là giá càng tăng thì nhu cầu càng giảm.
Bà Victoria Scholar, trưởng bộ phận đầu tư của nền tảng trực tuyến Interactive Investor, cho biết giá tăng sẽ chỉ làm cho một chiếc túi Hermès trở nên “quyến rũ đầy xa hoa” hơn mà thôi.
Bà Federica Levato, chuyên gia của công ty nghiên cứu thị trường Bain ở Milan, nhận định diễn biến của các thương hiệu hàng xa xỉ đang có sự phân mảnh, khi có những thương hiệu tăng trưởng 30% tại Mỹ, và cũng có các thương hiệu lại sụt giảm đến 30%.
Nhưng nhìn chung, theo chuyên gia này, các mặt hàng xa xỉ suy yếu mạnh nhất là thời trang đường phố, túi xách nhỏ và giày sneaker ở phân khúc thấp hơn, khi đối tượng khách hàng mục tiêu của các mặt hàng này là những người bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi lạm phát./.