Gần 5 tháng thi hành Luật Đất đai 2024: Phát huy mạnh mẽ nguồn lực từ đất đai

Luật Đất đai năm 2024 với nhiều nội dung đổi mới mạnh mẽ, đột phá trong quản lý, sử dụng đất đai, đã góp phần khơi thông nguồn lực đất đai tại các địa phương, song cũng phát sinh một số vướng mắc.

Sau gần 5 tháng kể từ khi Luật đất đai 2024 chính thức có hiệu lực thi hành (kể từ ngày 1/8/2024), đại diện sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố cho biết việc tổ chức thực hiện tốt các nội dung quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của luật này đang góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác quản lý đất đai, qua đó phát huy mạnh mẽ nguồn lực từ đất đai trong việc phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Tuy vậy, quá trình áp dụng luật mới tại một số địa phương cũng phát sinh một số vướng mắc liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư; đấu giá quyền sử dụng đất…

Những tác động tích cực

Đề cập đến vấn đề trên, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết Luật đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực sớm, đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Với nhiều nội dung đổi mới mạnh mẽ, đột phá trong quản lý, sử dụng đất đai, đảm bảo quyền lợi hài hòa của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp, trong năm 2024, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có những thay đổi rõ nét, chuyển biến tích cực.

Hà Nam cũng là một trong những tỉnh sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 tại quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 26/12/2023.

Tính đến ngày 21/12/2024, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành xong phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 cho 6/6 đơn vị cấp huyện.

Ông Nguyễn Hồng An - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cũng cho biết Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn 5 tháng và có rất nhiều điểm mới, thay đổi lớn về trình tự, thủ tục trong công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, ngay khi luật có hiệu lực, Đà Nẵng đã tổ chức việc triển khai Nghị định số 101/2024/NĐ-CP, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP đồng thời tổ chức các hội nghị chuyên môn để thống nhất trong công tác phối hợp triển khai nhiệm vụ và thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật mới.

“Nhờ đó công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tốt, không phát sinh vấn đề trong thực tế. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ cao (đến nay đã giải quyết được 119.321/121.514 hồ sơ tiếp nhận). Tính đến tháng 10/2024, tổng thu nghĩa vụ tài chính đất đai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là trên 2.000 tỷ đồng,” ông An nhấn mạnh.

Tại thành phố Hà Nội, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 cho thấy luật có nhiều điểm mới có lợi cho người bị thu hồi đất. Đơn cử như việc bồi thường theo giá cụ thể, tái định cư theo bảng giá có lợi hơn so với quy định của Luật Đất đai 2013 (bồi thường theo giá đất cụ thể; tái định cư nộp theo giá đất cụ thể); việc phê duyệt phương án cũng như thực hiện bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi thu hồi đất.

Liên quan đến bồi thường, luật cũng cho phép áp dụng đa dạng hình thức; mở rộng một số trường hợp sử dụng đất được bồi thường như sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai; bồi thường về đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành. Ngoài ra, luật đã bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi.

Nhiều vướng mắc cần được làm rõ

Tuy vậy, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng lưu ý quá trình triển khai Luật Đất đai 2024, cũng phát sinh một số vướng mắc.

Một khu đất đấu giá ở huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Cụ thể, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng hơn 1.000 dự án còn dở dang (đã thực hiện thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một phần theo Luật Đất đai 2013). Phần diện tích còn lại sẽ thực hiện theo Luật Đất đai 2024 dẫn đến phát sinh một số vướng mắc như: Chính sách giải phóng mặt bằng trong cùng một dự án không đồng nhất; nhiều dự án thông báo thu hồi đất đã quá 12 tháng theo quy định của Luật Đất đai 2024, không thuộc trường hợp chuyển tiếp; trường hợp thực hiện theo Luật Đất đai 2024 thì phát sinh rất nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đã được ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã thực hiện các bước như điều tra kiểm đếm và tài sản trên đất; xác nhận nguồn gốc sử dụng đất; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức niêm yết công khai phương án theo quy định của Luật Đất đai 2013, nhưng chưa quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thì phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024. Nếu thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024 sẽ dẫn tới việc phát sinh rất nhiều khó khăn về thời gian, tiến độ, chi phí...

Để tháo gỡ các vướng mắc trên, thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến với Chính phủ và các cơ quan Trung ương cho phép Hà Nội sử dụng tài liệu đã thực hiện (kết quả đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất,...) để triển khai các bước tiếp theo theo quy định đối với các dự án đã thực hiện đầy đủ các quy trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2013, để đảm bảo tiến độ dự án, tránh phát sinh thời gian, công sức, tiền của ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, để giải quyết dứt điểm các dự án chậm triển khai, Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo Trung ương theo hướng: Cho phép được kéo dài thời hạn 24 tháng (lần 2) đối với các trường hợp chủ đầu tư được ủy ban nhân dân thành phố đánh giá đủ năng lực và đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư phải nộp nghĩa vụ tài chính cho thời gian kéo dài theo quy định; trường hợp nhà đầu tư không đảm bảo năng lực, đối với trường hợp đã có tài sản thì cần cho phép xử lý tài sản gắn liền với đất.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cũng chỉ ra một số bất cập như: Điều 125 của Luật Đất đai 2024 quy định điều kiện để tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất là phải có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập và phê duyệt đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Như vậy nếu các dự án không phải là đầu tư xây dựng nhà ở mà không có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 thì không thể tính doanh thu theo phương pháp thặng dư được.

Về tiền thuê đất, tại khoản 3 Điều 157 Luật đất đai 2024 quy định “Nếu miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất thì không phải thực hiện xác định giá đất.” Theo đó cơ quan thuế không thông báo đơn giá thuê đất. Như vậy, trong trường hợp không có thông báo đơn giá thuê đất thì việc ký hợp đồng thuê đất sẽ như thế nào?...

Để tháo gỡ vướng mắc, phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam bày tỏ mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác quản lý đất đai trong thời gian tới./.