Cần sớm có nghị quyết chuyên đề của Quốc hội về năng lượng mới

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã có những chia sẻ về các giải pháp cần thiết để Luật Điện lực sửa đổi sớm đi vào cuộc sống và thực sự là đòn bẩy cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Với việc Quốc hội thông qua vào ngày 30/11/2024, Luật Điện lực sửa đổi đã kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt để đẩy nhanh đầu tư các dự án năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng mới như điện gió ngoài khơi…

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, về các giải pháp cần thiết để Luật Điện lực sửa đổi sớm đi vào cuộc sống và thực sự là đòn bẩy cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

- Thưa ông Luật Điện lực sửa đổi được Quốc hội thông qua mới đây đã khắc phục được những bất cập gì trong Luật trước đó nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhất là điện gió ngoài khơi?

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Luật Điện lực sửa đổi được Quốc hội thông qua mới đây là tin vui cho tất cả các cơ quan liên quan đến lĩnh vực điện lực và năng lượng, trong đó có điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, để Luật Điện lực sửa đổi sớm đi vào cuộc sống, rất cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể hơn.

Chúng tôi cho rằng đây là việc khó khăn bởi vì nghị định hướng dẫn được xây dựng không chỉ theo tinh thần của Luật Điện lực sửa đổi mà còn phải tuân thủ các luật hiện hành khác, như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Thuế, Luật Giá, Luật Bảo vệ môi trường…

Vì vậy, chúng tôi vẫn không khỏi lo ngại về tính phù hợp của nghị định mới liệu có đáp ứng được kỳ vọng của các cơ quan quản lý và nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mới như điện khí LNG và điện gió ngoài khơi.

- Hội Dầu khí Việt Nam đã có đề xuất cơ chế ưu đãi cũng như các quy định cụ thể về việc ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào dự án điện gió ngoài khơi, nhất là trong các dự án đầu tiên. Vậy Luật Điện lực sửa đổi được thông qua mới đây đã đáp ứng được kỳ vọng này như thế nào thưa ông?

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Do điện gió ngoài khơi là lĩnh vực còn quá mới mẻ nên việc xây dựng các chính sách, cơ chế ưu đãi cho điện gió ngoài khơi sẽ khó đáp ứng ngay được kỳ vọng của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy việc xây dựng cơ chế đặc thù cho điện gió có thể tham khảo từ các chính sách đặc thù trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi của Việt Nam.

Ví dụ như trong điều tra cơ bản với điện gió ngoài khơi, hay là năng lượng thuỷ triều, sóng biển thì cũng có các bước tương tự như khảo sát tài nguyên địa chất, tài nguyên dầu khí với các bước như lựa chọn nhà đầu tư, phương án triển khai, phương án đầu tư, phương án chia lợi nhuận.

Việc phân chia các lô diện tích cho điện gió ngoài khơi cũng nên kế thừa việc phân lô trong thăm dò khai thác dầu khí đã có sẵn, trong khi vẫn có thể chia thành các phụ lô với diện tích nhỏ hơn.

Chúng ta có thể mời gọi các cái nhà đầu tư lớn có tên tuổi, có kinh nghiệm, phương tiện, tài chính tham gia vào quá trình điều tra cơ bản.

Trong lĩnh vực dầu khí, chúng tôi đã từng áp dụng cơ chế thu nổ địa chấn không độc quyền. Nhà đầu tư tự tổ chức khảo sát và bán thông tin, tài liệu và tự chịu rủi ro.

Về phía Việt Nam, chúng ta sẽ được bộ cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ cho các khâu tiếp theo và cùng chia lợi nhuận khí bán tài liệu và thông tin.

Chúng tôi cho rằng việc khuyến khích các nhà đầu tư trong nước tham gia vào quá trình này là cần thiết và chính sách khuyến khích có thể chỉ là thuế, phí.

Thực tế là lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi, trước mắt là năng lượng gió ngoài khơi không chỉ nhằm mục tiêu sản xuất điện để đưa về bờ hay xuất khẩu trực tiếp mà còn liên quan đến việc sản xuất hydrogen xanh-nguồn nhiên liệu sạch không phát thải carbon. Hay nói cách khác, các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được phát triển theo chuỗi dự án.

Vì vậy, Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng cần xây dựng một bộ luật về năng lượng tái tạo, còn nếu chỉ dừng lại ở điện là vẫn chưa đủ để có thể triển khai chuỗi các dự án liên quan đến điện gió ngoài khơi.

- Ông đánh giá như thế nào về tính đồng bộ của Luật Điện lực sửa đổi với các luật khác nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mới, trong đó có điện gió ngoài khơi?

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Hiện nay sự đồng bộ của pháp luật vẫn luôn là "bài toán" khó. Vì vậy, nếu chờ đợi việc sửa tất cả các luật để đồng bộ thì sẽ mất thêm từ 3-5 năm nữa và tất cả các dự án sẽ phải chờ.

Do vậy, Hội Dầu khí kiến nghị cần có một nghị quyết chuyên đề của Quốc hội với những nội dung cần thiết cho lĩnh vực điện khí LNG, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, bao gồm cả những vấn đề từ Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Thuế, Luật bảo vệ môi trường…

Ví dụ như trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, chúng ta chưa xây dựng được cơ chế giá, cơ chế thuế trong nước, thuế xuất khẩu điện gió, quy định cụ thể với việc đánh giá tác động môi trường của các dự án điện gió ngoài khơi…

Vì vậy, Hội Dầu khí Việt Nam mong muốn Quốc hội sớm có một nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực điện khí LNG, năng lượng tái tạo ngoài khơi, trong đó có điện gió ngoài khơi.

Có như vậy, các năng lượng tái tạo nói chung và dự án điện gió ngoài khơi nói riêng mới có thể triển khai thuận lợi, góp phần hiện thực hoá mục tiêu không phát thải carbon (net zero) vào năm 2050 cũng như các mục tiêu tăng tỷ trọng điện gió ngoài khơi trong cơ cấu năng lượng quốc gia.

- Trong khi chưa thể có ngay nghị quyết chuyên đề như mong muốn, vậy cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp gì để Luật Điện lực sửa đổi nhanh chóng đi vào cuộc sống, thưa ông?

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Đầu tiên, cơ quan chủ trì sẽ phải soạn thảo nghị định hướng dẫn, trong quá trình này nếu thấy những điểm còn vướng mắc với các bộ luật khác thì tổng hợp lại và kiến nghị kịp thời lên các cơ quan của Quốc hội để xem xét từng vấn đề.

Khi đó, nghị định hướng dẫn Luật Điện lực sửa đổi sẽ được thừa hưởng tinh thần của một nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, phù hợp với thực tiễn và khả thi.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm về Luật Điện lực sửa đổi. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

- Ông nhìn nhận như thế nào về các khó khăn vẫn tồn tại với việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi sau khi Luật Điện lực sửa đổi đi vào cuộc sống?

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam: Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng nhà đầu tư trong lĩnh vực này sẽ quan tâm đến việc Luật Đầu tư có cho phép các hình thức linh hoạt lựa chọn nhà đầu tư hay không, hay bắt buộc vẫn phải đưa ra đấu thầu như quy định?

Bên cạnh đó, cơ chế giá áp dụng cho điện gió ngoài khơi, xuất khẩu điện gió ngoài khơi, điện gió ngoài khơi gắn với sản xuất hydrogen xanh…vẫn là "khoảng trống cần được lấp đầy."

Thực tế trên thế giới cho thấy các nhà đầu tư lớn có thương hiệu, có kinh nghiệm, công nghệ và năng lực tài chính tốt thì luôn được các nước mời chào và gần như có đặc quyền trong tham gia dự án.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng chúng ta phải linh hoạt trong các trường hợp nếu có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến một dự án thì mới nên tổ chức đấu thầu; còn với các dự án đặc thù không có nhiều nhà đầu tư thì hoàn toàn có thể đàm phán trực tiếp dựa trên mục tiêu của chủ nhà và năng lực thực sự của nhà đầu tư.

Thực tế cũng cho thấy ngay cả tổ chức đấu thầu thì vẫn có thể xảy ra tình trạng thông thầu, "quân xanh, quân đỏ," vì vậy quan trọng nhất vẫn là có cơ chế kiểm soát.

- Trân trọng cảm ơn ông./.