ECB sẽ khởi động chu kỳ nâng lãi suất với mức tăng ngoài dự đoán?

Lạm phát tại Eurozone đang tiến gần đến mức hai con số, đòi hỏi nhiều đợt nâng lãi suất từ ECB, kể cả khi điều này sẽ kìm hãm nền kinh tế vốn đang phải chịu ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine.

Nhân viên giao dịch ngoại hối kiểm đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm qua trong ngày 21/7, có thể là với một mức tăng lớn hơn dự đoán, cho thấy các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này ngày càng lo ngại về khả năng mất kiểm soát đối với lạm phát.

Lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đang tiến gần đến mức hai con số, đòi hỏi nhiều đợt nâng lãi suất từ ECB, kể cả khi điều này sẽ kìm hãm nền kinh tế vốn đang phải chịu ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine.

Nhưng các quan chức của ECB vẫn chưa nhất quán về tiến độ nâng lãi suất. Nhiều người cho rằng ECB vẫn còn chậm hơn nhiều so với các ngân hàng trung ương khác như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trong khi số khác lại lo ngại việc thắt chặt chính sách của ECB sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế.

[Đồng euro phục hồi đáng kể nhờ kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất cao]

Gần đây, ECB đã phát đi tín hiệu về mức tăng lãi suất chỉ 25 điểm cơ bản trong tháng này trước khi tăng mạnh hơn vào tháng Chín này.

Nhưng nhiều nguồn thạo tin cho hay khả năng nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản cũng sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc họp ngày 21/7, trong bối cảnh triển vọng lạm phát đang xấu đi nhanh chóng.

Làm phức tạp hơn quyết định của ECB là sự suy yếu gần đây của đồng euro xuống mức thấp nhất 20 năm qua so với đồng USD, từ đó làm gia tăng áp lực lạm phát và củng cố khả năng ECB sẽ nâng lãi suất mạnh hơn.

Tuy nhiên, nếu nâng lãi suất mạnh hơn, ECB sẽ phải bảo vệ các nước thành viên có khối nợ cao như Italy hay Tây Ban Nha trước sự tăng mạnh trong chi phí đi vay.

Vì thế ECB cần đạt được đồng thuận về một kế hoạch mua trái phiếu mới.

Khi lãi suất tăng, chi phí đi vay trong khối thường tăng một cách không đồng đều, và ECB đã cam kết sẽ ngăn chặn "sự phân mảnh" này với một công cụ mới.

ECB được dự đoán sẽ không công bố toàn bộ nội dung chi tiết về công cụ nói trên, nhưng Chủ tịch ECB Christine Lagarde có thể đưa ra một cam kết vững chắc và phải cung cấp cho thị trường tài chính ít nhất là một số thông tin như các yêu cầu để kích hoạt cứu trợ tài chính từ ECB.

Trước đó, hồi tháng Sáu, khi bà Lagarde chỉ đưa ra một cam kết mơ hồ, giới đầu tư đã ngay lập tức thử thách ECB khi đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy lên mức cao nhất trong 10 năm qua, buộc ECB phải tổ chức một cuộc họp khẩn và đưa ra một cam kết mạnh mẽ hơn./.

Khánh Ly (TTXVN/ Vietnam+)