Bộ trưởng Tài chính Anh công bố dự luật dịch vụ tài chính hậu Brexit
Tân Bộ trưởng Tài chính Anh khẳng định các quy định tài chính của Vương quốc Anh “sẽ một lần nữa được quyết định tại Anh, cho nước Anh, bởi các chuyên gia và các nhà quản lý độc lập của Anh."
Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi ngày 20/7 đã đưa ra dự thảo luật nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ tài chính hậu Brexit, đồng thời vẫn duy trì các tiêu chuẩn được tuân thủ trên thị trường quốc tế.
Dự luật hủy bỏ nhiều quy định có từ thời nước Anh vẫn là thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Trong bài phát biểu thường niên mới đây tại Mansion House, ông Zahawi khẳng định các quy định tài chính của Vương quốc Anh “sẽ một lần nữa được quyết định tại Anh, cho nước Anh, bởi các chuyên gia và các nhà quản lý độc lập của Anh."
[Anh: Mức lạm phát trong tháng Sáu tăng cao nhất trong 40 năm]
Dự luật trên còn gia tăng áp lực đối với các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính của Anh là Cơ quan Quản lý tài chính Anh (FCA) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), khi các cơ quan này sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn bởi Quốc hội và Bộ Tài chính.
Đặc biệt, chính phủ sẽ có thể yêu cầu hai cơ quan trên xem xét lại các quy định của họ vì lợi ích của công chúng.
Thậm chí, ông Zahawi cho biết các bộ trưởng đang xem xét đi xa hơn và can thiệp trực tiếp vào các quy định tài chính, vốn thường thuộc thẩm quyền riêng biệt của các cơ quan quản lý.
Điều này đang làm dấy lên nhưng lo ngại về sự xung đột thẩm quyền giữa chính phủ và BoE, khi các quan chức của ngân hàng trung ương gần đây đã nhấn mạnh lo ngại về tính độc lập của ngân hàng này.
Theo dự luật trên, các cơ quan quản lý tài chính sẽ được giao một mục tiêu phụ là thúc đẩy sự phát triển và khả năng cạnh tranh của lĩnh vực tài chính, làm dấy lên lo ngại điều này có thể khiến các cơ quan quản lý xao nhãng nhiệm vụ chính của mình.
Dự luật cũng đề xuất cho phép một số loại đồng tiền số ổn định (stablecoin) nhất định được quản lý như một phương thức thanh toán tại Anh.
Stablecoin là loại tiền điện tử được thiết kế với mục đích giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của sự biến động giá bằng cách cố định vào một tài sản ổn định hơn như tiền thật (fiat money), hàng hóa (vàng, bạc…), hoặc có thể là một đồng tiền điện tử khác.
Chính phủ Anh xem đây là một cách để nâng cao sức hút của nước này trước sự nổi lên của thị trường tiền số.
Chính phủ Anh trước đó đã công bố các cải cách đối với các yêu cầu đối với các công ty bảo hiểm, nhất là các yêu cầu về vốn.
Nội dung này lâu nay vẫn được quy định bởi bộ luật Solvency II Insurance Directive của EU.
Giờ đây, Anh dự định nới lỏng hơn nữa các quy định về vốn cho các công ty trong lĩnh vực bảo hiểm, với kỳ vọng "giải phóng" hàng chục tỷ bảng Anh để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đầu tư “xanh.”
Dự luật trên đã nhận được những phản ứng trái chiều. Nhiều ý kiến lo ngại Anh đang đi quá xa hướng đến sự nới lỏng quy định một cách bất cẩn.
Trong khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính lại cho rằng dự luật này là cần thiết để giúp Anh bắt kịp với các đối thủ trên toàn cầu./.