Đức: Công nhân đường sắt và hàng không tiếp tục đình công
Tình trạng bãi công đòi tăng lương đã kéo dài tại Đức trong nhiều tháng qua khi người lao động và lực lượng quản lý đàm phán về các điều khoản quy định lao động trong bối cảnh lạm phát cao.
Các cuộc đình công của ngành đường sắt và hàng không ủng hộ yêu cầu tăng lương tiếp diễn tại Đức trong ngày 7/3, khiến giao thông nhiều nơi bị gián đoạn, gây khó khăn cho hành khách cần di chuyển.
Công nhân đường sắt bắt đầu cuộc đình công kéo dài 35 giờ đối với các dịch vụ vận tải hàng hóa, bắt đầu từ 1700 giờ GMT ngày 6/3 và đối với các dịch vụ hành khách từ 0100 giờ GMT sáng 7/3.
Khoảng thời gian đình công của ngành đường sắt nhấn mạnh đến yêu cầu then chốt của liên minh công nhân lái tàu GDL là giảm số giờ làm việc trong tuần từ 38 giờ xuống còn 35 giờ/tuần.
Người đứng đầu GDL Claus Weselsky cho biết các cuộc bãi công trong tương lai không còn thông báo trước 48 giờ như trước đây.
Trong khi đó, nhà điều hành đường sắt Deutsche Bahn đã chỉ trích các cuộc đình công, cho biết công ty này đã đưa ra các nhượng bộ lên tới mức tăng lương 13%.
Trong một diễn biến khác, nhân viên tại các bộ phận mặt đất của Lufthansa tổ chức một cuộc đình công trên toàn quốc từ 0300 giờ GMT ngày 7/3 đến 0610 giờ GMT ngày 9/3.
Nhân viên an ninh tại các sân bay Frankfurt và Hamburg cũng tổ chức đình công một ngày.
Đại diện của sân bay Frankfurt cho biết cuộc đình công này gây nhiều gián đoạn và nhiều chuyến bay bị hủy trong ngày. Sân bay sẽ buộc phải đóng cửa đối với mọi dịch vụ bay ngoài nước.
Cuộc đình công của Lufthansa gây gián đoạn các dịch vụ của hãng hàng không này tại các sân bay khác.
Một cuộc đình công kéo dài một ngày trước đó đã ảnh hưởng đến khoảng 100.000 hành khách, với 80 đến 90% các chuyến bay bị hủy.
Tình trạng bãi công đòi tăng lương đã kéo dài tại Đức trong nhiều tháng qua khi người lao động và lực lượng quản lý đàm phán về các điều khoản quy định lao động trong bối cảnh lạm phát cao và hoạt động kinh doanh yếu kém.
Các cuộc đình công trong ngành đã ảnh hưởng đến lĩnh vực vận tải, siêu thị và dịch vụ dân sự.
Liên đoàn các ngành dịch vụ Verdi (Đức) yêu cầu tăng lương 12,5% cho công nhân, tối thiểu 500 euro (542 USD) mỗi tháng.
Verdi cho biết Lufthansa đã đề nghị tăng lương trong một thời gian dài nhưng không đủ để đáp ứng yêu cầu của họ./.