Thủ tướng Thái Lan củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong chuyến công du châu Âu
Trong chuyến thăm Đức và Pháp kéo dài một tuần, Thủ tướng Thái Lan Srettha dự kiến gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp trong các ngành hàng không, ôtô, du lịch, thời trang và bán lẻ của hai nước.
Từ ngày 7-14/3, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin bắt đầu chuyến thăm chính thức Đức và Pháp với chương trình nghị sự dày đặc nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư châu Âu vào việc tăng cường thương mại và đầu tư ở Thái Lan, đẩy mạnh nỗ lực ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Thái Lan-Liên minh châu Âu (EU) và theo đuổi đàm phán về việc miễn thị thực cho công dân Thái Lan.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết trong chuyến công du đầu tiên tới châu Âu, Thủ tướng Srettha dự kiến sẽ thảo luận với nhà chức trách Đức và Pháp về phát triển kinh tế bền vững, năng lượng sạch và giải quyết các thách thức môi trường, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao quan hệ với Đức và Pháp để họ trở thành đối tác chiến lược của Thái Lan.
Trong chuyến thăm kéo dài một tuần, Thủ tướng Srettha dự kiến gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp trong các ngành hàng không, ôtô, phụ tùng ôtô, du lịch, thời trang và bán lẻ.
Ông cũng sẽ tham dự Hội chợ Thương mại Du lịch lớn nhất thế giới ITB Berlin 2024 tại Đức và Hội nghị toàn cầu về cơ sở hạ tầng và bất động sản MIPIM 2024 tại Cannes (Pháp), đồng thời có bài phát biểu tại buổi chiêu đãi hằng năm của Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức.
Thái Lan hy vọng sẽ ký kết FTA với EU vào năm tới, với vòng đàm phán thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 6 năm nay.
Theo số liệu của Vụ Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan với giá trị trao đổi song phương đạt 34,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2023. Hai bên lần đầu tiên khởi động các cuộc đàm phán về FTA vào năm 2013, song tiến trình này đã bị đình trệ sau cuộc đảo chính ở Thái Lan năm 2014.
Trong các năm 2017 và 2019, Hội đồng châu Âu đã thông qua việc đưa ra cách tiếp cận tái tham gia dần dần, mà đỉnh điểm là việc ký kết Thỏa thuận Đối tác và Hợp tác vào tháng 12/2022.
Về thương mại, kết luận của Hội đồng châu Âu năm 2017 và 2019 kêu gọi Ủy ban châu Âu đánh giá khả năng nối lại các cuộc đàm phán FTA với Thái Lan và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các bước theo hướng đó.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2021 của EU tiếp tục khẳng định mối quan tâm lâu dài của EU trong việc nối lại đàm phán FTA với Thái Lan. EU hiện đã có các FTA tiên tiến nhất với hai nước ASEAN là Singapore và Việt Nam./.