Dự báo xuất khẩu cao su năm 2025 đạt trên 11 tỷ USD
Giá cao su trong nước và quốc tế trong giai đoạn đầu năm 2025 sẽ phụ thuộc lớn vào hiệu quả từ các chính sách kinh tế mà Trung Quốc đang triển khai.
Hiệp hội cao su Việt Nam dự báo, năm 2025 dự kiến sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ hơn của ngành cao su Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự báo sẽ đạt trên 11 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2024, khai thác tối đa giá trị bền vững từ nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường và tái chế.
Giá cao su trong nước và quốc tế trong giai đoạn đầu năm 2025 sẽ phụ thuộc lớn vào hiệu quả từ các chính sách kinh tế mà Trung Quốc đang triển khai. Các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm các gói tài trợ trực tiếp đầu tư vào hạ tầng công nghiệp, đã bắt đầu đem lại những kết quả tích cực; trong đó, ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc, vốn là một trong những lĩnh vực tiêu thụ cao su lớn nhất, được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 nhờ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam sẽ được đảm bảo nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần phục hồi, ông Nguyễn Đức Dũng cho biết thêm.
Trong tất cả các thị trường nhập khẩu cao su Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu trong các thị trường lưu thông sản phẩm cao su Việt Nam. Chỉ tính năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 2,4 tỷ USD cao su Việt Nam, chiếm 70,5% kim ngạch xuất khẩu của cao su Việt Nam.
Đánh giá về thị trường Trung Quốc, thị trường chủ đạo của ngành cao su, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, giá cao su giai đoạn đầu năm 2025 sẽ phụ thuộc lớn vào hiệu quả từ các chính sách kinh tế mà Trung Quốc đang triển khai.
Việc đầu tư vào các dự án công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất lốp xe và thiết bị công nghiệp, có thể tăng nhu cầu về nguyên liệu cao su, góp phần giữ giá cao su ở mức cao trong ngắn hạn.
Ông Nguyễn Đức Dũng giải thích, giá cao su trong suốt những tháng cuối năm 2024 đã duy trì ở mức cao nhờ vào sự hỗ trợ từ cả hai phía nguồn cung và nhu cầu.
Về phía cung, sản lượng cao su tự nhiên tại các quốc gia sản xuất hàng đầu có xu hướng thu hẹp. Còn về nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng nhằm thúc đẩy nền kinh tế, qua đó tạo ra kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, làm gia tăng nhu cầu cao su cho các ngành sản xuất.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu cao su Việt Nam đạt 3,4 tỷ USD, sản lượng xuất khẩu đạt 2 triệu tấn mủ, giảm 6% về sản lượng và tăng 18% về trị giá so với năm 2023; trong đó, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ cao su là 1,2 tỷ USD, tăng hơn 13% so với năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu cao su là 3 tỷ USD, với sản lượng 1,9 triệu tấn, giá trị thặng dư từ xuất khẩu cao su năm 2024 là 400 triệu USD.
Ông Lê Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, nguyên nhân chủ yếu là nhờ giá cao su xuất khẩu tăng cao. Giá xuất khẩu bình quân trong cả năm đạt 1.701 USD/tấn, cao hơn khá nhiều so với giá bình quân năm 2023 là 1.350 USD/tấn. Vì vậy, mặc dù sản lượng giảm nhưng trị giá xuất khẩu cao su vẫn tăng cao so với những năm trước.
Lý giải cho sự biến động giá cao su này, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho biết, trong năm 2024 sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu đạt 11,2 triệu tấn, trong khi nhu cầu cao su tự nhiên là 12,1 triệu tấn.
Như vậy, nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu bị thiếu hụt khoảng 900.000 tấn so với nhu cầu tiêu thụ. Giá cao su thế giới tăng mạnh không chỉ tác động tích cực tới giá cao su Việt Nam mà còn giúp cho các công ty cao su tăng trưởng tốt về doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su Việt Nam.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), thương mại cao su và sản phẩm cao su (mã HS 40) trên toàn cầu hiện đạt mức 240-250 tỷ USD; trong đó, châu Âu là thị trường nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, đạt bình quân 75 tỷ USD. Châu Âu đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, chiếm 31-34,5% tổng xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su toàn cầu.
Có thể thấy, châu Âu hiện đang đóng vai trò quan trọng trong thị trường cao su và sản phẩm cao su toàn cầu. Các nhà sản xuất tại đây nhập khẩu nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp nội khối cũng như sản xuất và xuất khẩu các thành phẩm từ cao su, đại diện Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết./.