Đột phá đánh thức tiềm năng và lợi thế thành phố Cần Thơ
Tới nay, tiềm năng của Cần Thơ chưa được phát huy tối đa, một phần cơ bản là do hệ thống hạ tầng chính của vùng chưa hoàn thiện và chiến lược phát triển của Cần Thơ chưa được đồng bộ.
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức chiều 13/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, nếu không chọn được cách tiếp cận đúng, không xác định được định hướng đúng, cách đi, đích đến, thời gian đến và phương thức thực hiện thì không thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong thời điểm có nhiều khó khăn thách thức.
"Cần Thơ cần bổ sung phân tích, đánh giá so sánh về lợi thế, tiềm năng phát triển, khả năng liên kết giữa thành phố Cần Thơ với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Bởi Cần Thơ đang được xác định là cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra trong Quy hoạch tổng thể quốc gia," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Bộ trưởng đề nghị các chuyên gia, bộ, ngành tập trung phân tích Cần Thơ sắp tới phát triển gắn với vùng để lan tỏa, kết nối, thúc đẩy cho cả vùng, xứng với vai trò trong phát triển của cả vùng thời gian tới.
[Cần Thơ: Hoàn tất công việc phục vụ khởi công các dự án trọng điểm]
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch thường trực thành phố Cần Thơ, cho biết Cần Thơ gắn liền với tên gọi Tây Đô - đô thị của miền Tây Nam Bộ; vùng đất có bề dầy lịch sử truyền thống cách mạng trong đấu tranh-dựng xây, bảo vệ tổ quốc và phát triển kinh tế-xã hội.
Là đô thị loại I trực thuộc trung ương, Cần Thơ có vị trí và vai trò trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là giao điểm của hành lang kinh tế đô thị dọc sông Hậu và hành lang kinh tế đô thị Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ và nằm trong Tứ giác trung tâm vùng.
Thời gian qua, Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Cần Thơ đã từng bước thể hiện vai trò là Trung tâm công nghiệp; Trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; y tế, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Tuy nhiên tới nay, tiềm năng của Cần Thơ chưa được phát huy tối đa, một phần cơ bản là do hệ thống hạ tầng chính của vùng chưa hoàn thiện và chiến lược phát triển của Cần Thơ chưa được đồng bộ.
Các công năng cấp vùng còn chưa đủ tầm, chưa đủ lớn, và nằm rải rác, chưa tạo được hiệu quả đầu tàu, động lực.
Trong tương lai, khi những hạ tầng cơ bản của vùng được hoàn thiện, tiềm năng của Cần Thơ sẽ khác hẳn trước đây, với kỳ vọng có những phát triển vượt bậc.
"Việc Quy hoạch thành phố Cần Thơ sẽ tạo bước đột phá nhằm đánh thức các tiềm năng và lợi thế; thực hiện quy hoạch tích hợp với quyết tâm cao nhằm trở thành đầu tàu, kéo theo sự phát triển toàn diện cho toàn vùng đất chín rồng. Quy hoạch mới thể hiện khát vọng vươn lên để trở thành đô thị sông nước đáng sống trong tương lai," ông Dương Tấn Hiển nhấn mạnh.
Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,0%; cơ cấu kinh tế lần lượt các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đạt 5,2%, 34,9%, 53% vào năm 2030.
Tăng trưởng của khu vực trong thời kỳ 2021-2025: nông nghiệp tăng 0,7%, công nghiệp tăng 8,5%, dịch vụ tăng 9,7 % và thời kỳ 2026-2030: nông nghiệp tăng 0,6%, vông nghiệp tăng 12,6 %, dịch vụ tăng 9,6%...
Tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ tiếp tục phát triển đồng đều định hướng trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam; là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ tiêu dùng chất lượng cao, tập trung vào hoạt động bán lẻ hiện đại và du lịch giá trị cao, tiên phong trong phát triển đô thị xanh.
Thành phố tập trung phát triển các lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên nền tảng công nghệ cao, kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và bắt kịp xu hướng công nghệ mới của thế giới.
Đánh giá về dự thảo Quy hoạch thành phố Cần Thơ, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá nội dung quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát vào quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị trung tâm vùng theo yêu cầu được đặt ra.
Ông Đinh Trọng Thắng cũng nhận định nội dung này cũng đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp nội dung quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 và nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20/7/2020.
Ông Phạm Hoài Chung, Viện phó Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, cho biết đối với quan điểm mục tiêu, Cần Thơ cần phải có đánh giá phương án phát triển, tính kết nối, tính phát triển bền vững, phương thức xanh và logisitics dựa vào nền tảng công nghệ cao để Cần Thơ hướng tới Trung tâm logisitics trọng điểm, có sức cạnh tranh nổi bật trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Cần Thơ đang có những điều kiện thuận lợi để triển khai Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là đòi hỏi khách quan, xu thế tất yếu để thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của Cần Thơ.
Tuy nhiên, thành phố cần sắp xếp lại không gian để tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
"Cần Thơ phải đóng vai trò, sứ mệnh mới cao hơn, trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cực tăng trưởng của đất nước, bệ đỡ lan tỏa, thúc đẩy phát triển cho cả vùng, chứ không phải riêng của Cần Thơ," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.