Giao danh mục, mức vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH

Ngày 13/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 20, ngày 13/2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2).

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2).

Bộ trưởng cho biết căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (Đợt 1) cho 94 nhiệm vụ, dự án với tổng số vốn 147.138 tỷ đồng.

Sau khi giao Đợt 1, tổng số vốn còn lại của Chương trình là 28.862 tỷ đồng; trong đó có 25.530 tỷ đồng của 169 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Trong tổng số 169 dự án với số vốn là 25.530 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (gọi tắt là Chương trình) để hoàn thiện thủ tục đầu tư nêu trên có 129 dự án với số vốn dự kiến là 14.710,315 tỷ đồng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.

Căn cứ Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết số 43), Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Thông qua nguyên tắc, tiêu chí về phân bổ, bố trí vốn cho danh mục các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời cho ý kiến về 129 dự án thuộc Chương trình với số vốn dự kiến là 14.710,315 tỷ đồng đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.

[Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 3 ngày]

Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch vốn của chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải thực hiện 4 dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc để điều chỉnh tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án thành phần đã được Thủ tướng Chính phủ phân cấp.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đánh giá việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiếp tục phân bổ số vốn còn lại của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn lại là đúng theo thẩm quyền tại Nghị quyết số 43.

Về những nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn còn lại của Chương trình quá chậm, đến nay vẫn còn lại hơn 14.000 tỷ đồng tiếp tục chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện và bảo đảm tiến độ giải ngân vốn cho các dự án trong năm 2023 theo quy định của Nghị quyết số 43.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân chậm trễ, giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện Nghị quyết 43 và khả năng phân bổ triển khai thực hiện và hoàn thành giải ngân vốn trong năm 2023 theo yêu cầu của Nghị quyết số 43.

Ông Nguyễn Phú Cường cũng đề nghị rà soát kỹ về thời hạn hoàn thành các dự án; đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, dự án đúng thời hạn theo Nghị quyết số 43; đối với các dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương, yêu cầu các địa phương thực hiện đúng cam kết; có chế tài xử lý đối với địa phương không thực hiện đúng cam kết, không bố trí đủ vốn để các dự án hoàn thành trong năm 2023 để bảo đảm yêu cầu của Nghị quyết số 43...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc giao và triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội rất chậm, do nhiều nguyên nhân, tập trung vào ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là do phải thực hiện đúng Nghị quyết 43 về nguyên tắc, tiêu chí; thứ hai là do phải tuân thủ đúng thủ tục, trình tự theo quy định của Luật Đầu tư công, những vấn đề đó làm mất thêm thời gian. Thứ ba là các đề xuất của một số bộ, ngành và địa phương không sát thực tiễn. Trong khi đó, Chính phủ đã có khoảng 17 Nghị quyết và Công điện, Bộ Kế hoạch Đầu tư, có khoảng 23 văn bản đôn đốc, nhắc nhở nhưng không làm được, không triển khai được, dẫn đến không giao được.

Bộ trưởng khẳng định những dự án triển khai cũng như được giao vào đợt một hay các đợt sắp tới sẽ luôn được thực hiện thận trọng, nghiêm túc, Chính phủ chịu trách nhiệm về vấn đề này, đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí, thủ tục và trình tự.

Đối với những dự án kéo dài sang năm 2024 và 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nay chỉ cho phép Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2022 và năm 2023 nhưng lại cho phép sử dụng nhiều nguồn vốn hỗn hợp để cùng thực hiện một dự án.

Các dự án này lại phân theo nhóm A, B, C nên kéo dài, trong khi thẩm quyền phê duyệt các dự án này là của địa phương. Chính phủ sẽ chỉ đạo theo hướng thực hiện đúng Nghị quyết số 43, Luật Đầu tư công và đôn đốc, thúc đẩy việc giải ngân. Trong đó, Quốc hội đã cho phép điều hòa giữa các nguồn vốn để đảm bảo linh hoạt và hiệu quả.

Năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung giải ngân hết nguồn vốn Trung ương thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Còn các nguồn vốn của địa phương và các nguồn vốn khác sẽ thực hiện vào các năm 2024 và 2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về số vốn các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nay các dự án đã được phân cấp cho địa phương và chuyển vốn đã giao Bộ Giao thông Vận tải cho các địa phương. Như vậy sẽ giảm vốn của Bộ Giao thông Vận tải và tăng tương ứng cho 10 địa phương thực hiện các dự án quan trọng quốc gia.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ về nguyên tắc và tiêu chí phân bổ vốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thực hiện phân bổ vốn đúng theo nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 29 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đảm bảo khả năng hấp thụ vốn, tính công khai, minh bạch, hài hòa giữa các vùng miền.

Về danh mục và mức vốn cho từng nhiệm vụ và dự án cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phân bổ số vốn dự kiến cho 129 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến nêu tại báo cáo thẩm tra và ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ rà soát, chịu trách nhiệm chi tiết về từng nhiệm vụ, dự án khi quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo các địa phương bố trí đủ phần vốn địa phương đã cam kết để hoàn thành đúng tiến độ các dự án sử dụng cả vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của 4 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có 3 dự án quan trọng quốc gia đã bố trí vốn cho Bộ Giao thông Vận tải để bố trí các địa phương thực hiện các dự án thành phần theo phân cấp, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo quy định./.

P.V (TTXVN/Vietnam+)