Đồng yen suy yếu - "cơn gió ngược" trong nền kinh tế Nhật Bản

Trong diễn biến mới nhất, sáng phiên giao dịch ngày 14/7, tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 24 năm là 137,99-138 yen đổi 1 USD.

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đồng yen của Nhật Bản đã chịu nhiều áp lực giảm giá trong năm 2022. Trong diễn biến mới nhất, sáng 14/7, tỷ giá giữa đồng yen và đồng USD đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong vòng 24 năm là 137,99-138 yen đổi 1 USD.

Nguyên nhân chủ yếu khiến đồng yen giảm mạnh so với đồng bạc xanh của Mỹ là do các nhà đầu tư lo ngại chênh lệch lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ nới rộng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất ở mức mạnh nhất trong hơn 30 năm (1 điểm phần trăm) tại cuộc họp chính sách hai ngày 26-27/7 tới để đối phó với lạm phát kỷ lục trong hơn 40 năm, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên trì với chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

Sự suy yếu kéo dài này của đồng yen sẽ thúc đẩy lạm phát và làm giảm chi tiêu tiêu dùng, từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản.

Không còn là kênh trú ẩn an toàn

Trong tháng ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, đồng yen đã giảm gần 6% so với đồng USD, mức giảm thuộc hàng mạnh nhất trong số các đồng tiền của các nền kinh tế lớn.

Sự suy giảm này của đồng yen trước xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hoàn toàn trái ngược với sự nhìn nhận thông thường đối với đồng tiền này như một kênh trú ẩn an toàn, vì đồng yen thường giữ giá trong những thời kỳ bất ổn về chính trị và tài chính trên toàn cầu.

Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine, hai nước xuất khẩu ngũ cốc và năng lượng lớn, lại phơi bày những điểm yếu về mặt cơ cấu của nền kinh tế Nhật Bản, từ đó gây sức ép lên đồng yen.

Hơn 90% lượng năng lượng tiêu thụ của Nhật Bản dựa vào nhập khẩu. Dù Nga và Ukraine chiếm chưa đến 10% lượng năng lượng nhập khẩu của Nhật Bản, nhưng nền kinh tế nước này vẫn nhạy cảm trước sự biến động mạnh trong giá năng lượng toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine.

Trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong bảy năm là 2,9% GDP vào năm 2021. Chi phí năng lượng tăng mạnh đã thổi phồng hóa đơn nhập khẩu của Nhật Bản, khiến thặng dư thương mại của nước này giảm mạnh.

Bên cạnh đó, thâm hụt trong lĩnh vực dịch vụ cũng gia tăng khi ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế đối với du khách quốc tế. Thặng dư tài khoản vãng lai thu hẹp đã làm giảm sự hỗ trợ cho đồng nội tệ.

Đồng yen còn chịu áp lực từ đà phục hồi kinh tế chậm chạp của Nhật Bản. Khác với các nước láng giềng Hàn Quốc và Trung Quốc, cũng như các nền kinh tế phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu, quy mô nền kinh tế Nhật Bản vẫn nhỏ hơn so với các mức trước đại dịch COVID-19.

Các đợt bùng phát dịch liên tục trong năm ngoái và quý I năm nay đã khiến Chính phủ Nhật Bản phải ban hành một loạt các biện pháp khẩn cấp, từ đó làm chậm đà phục hồi trong hoạt động chi tiêu tiêu dùng và làm giảm niềm tin kinh doanh.

Áp lực đối với tăng trưởng kinh tế Nhật Bản

Dù đà tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu cải thiện từ quý II năm nay khi các hoạt động thương mại được tiếp sức sau khi các quy định hạn chế được nới lỏng trong tháng Ba, nhưng đà suy giảm của đồng yen thì có thể vẫn chưa dừng lại. Áp lực giảm giá đối với đồng yen sẽ đến từ sự khác biệt ngày càng lớn trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản và Mỹ.

Trước chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed, với lãi suất được dự đoán tăng lên gần 2% vào cuối năm nay, thì chính sách tiền tệ tại Nhật Bản vẫn sẽ siêu nới lỏng cho đến hết năm 2022, vì BoJ tập trung vào việc thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Khi lãi suất tại Mỹ tiếp tục tăng lên trong khi BoJ vẫn giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm và lãi suất dài hạn gần bằng 0, sự chênh lệch thực tế trong lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ gia tăng trong thời gian còn lại của năm nay, khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đồng yen đối với giới đầu tư.

[Nhật Bản: Đồng yen mất giá kỷ lục trong 24 năm so với USD]

Một hệ quả trực tiếp của đồng yen suy yếu là lạm phát gia tăng, vì giá hàng nhập khẩu tăng và chi phí đầu vào của các doanh nghiệp cũng cao hơn. Vì hầu hết các giao dịch quốc tế đều được trao đổi bằng đồng USD, nên sự suy giảm của đồng yen so với “đồng bạc xanh” sẽ đẩy giá nhiên liệu, ngũ cốc và nhiều loại hàng hóa khác lên cao hơn nữa.

Giá lương thực, điện nước và chi phí đi lại cá nhân đã tăng lên, và chi phí giao thông công cộng cũng sẽ sớm “nối gót”. Giá các hàng hóa và dịch vụ cơ bản này gia tăng sẽ gây áp lực cho tình hình tài chính của các hộ gia đình, trong đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các gia đình có thu nhập thấp.

Trong khi đó, hóa đơn điện nước và chi phí đầu vào leo thang cũng bóp nghẹt tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp. Dù các doanh nghiệp Nhật Bản chưa muốn chuyển gánh nặng chi phí gia tăng này sang cho người tiêu dùng vì sợ mất thị phần, nhưng nhiều doanh nghiệp sẽ phải làm điều này để tránh bị phá sản.

Giá hàng hóa cao hơn sẽ kìm hãm đà tăng trưởng trong hoạt động chi tiêu tư nhân trong năm nay, vì các hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình thu nhập thấp và trung bình có thể phải cắt giảm chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có khả năng phải trì hoãn các kế hoạch đầu tư do chi phí vận hành gia tăng.

Mặt khác, tác động của đồng yen yếu trong việc thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của Nhật Bản sẽ bị hạn chế trong năm nay. Các nhà sản xuất cũng đang phải đối mặt với chi phí đầu vào gia tăng.

Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản. Tình hình chiến sự này và kéo theo đó là sự gia tăng trong giá tiêu dùng sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế và hoạt động tiêu dùng tư nhân tại châu Âu, từ đó làm giảm số đơn đặt hàng từ thị trường nước ngoài quan trọng này của các công ty Nhật Bản.

Các lệnh trừng phạt về tài chính và thương mại quốc tế đối với Nga và sự gián đoạn sản xuất tại Ukraine cũng sẽ gây nhiều trở ngại cho chuỗi cung ứng ở khu vực này.

Đây đặc biệt sẽ là một vấn đề nghiêm trọng với các nhà sản xuát ôtô và hàng điện tử của Nhật Bản, vốn phụ thuộc vào palladium nhập khẩu từ Nga (một kim loại được dùng trong các hệ thống khí thải của ôtô) và dễ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung neon, xenon và krypton từ Ukraine (các loại khí công nghiệp dùng trong quá trình sản xuất vi mạch)./.

Khánh Ly (TTXVN/Vietnam+)