Tương lai ảm đạm của kinh tế Singapore trong nửa cuối năm 2022

Với các chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế lớn và những bất ổn do cuộc xung đột ở Ukraine khiến triển vọng tăng trưởng của Singapore ảm đạm hơn trong nửa cuối 2022.

Nền kinh tế Singapore đối mặt với nhiều khó khăn. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo bài viết trên báo The Straits Times, với tình trạng lạm phát tiếp tục hoành hành, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chỉ riêng trong tuần trước, đã có nhiều đợt tăng lãi suất mạnh ở Canada, New Zealand, Philippines và Hàn Quốc.

Theo xu hướng đó, ngày 14/7, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS tức ngân hàng trung ương) cũng đã thắt chặt chính sách tiền tệ lần thứ ba ngoài chu kỳ, khi cơ quan này nâng mức dự báo lạm phát tổng thể năm 2022 của nước này lên 5-6%, từ mức 4,5-5,5% trước đó.

Động thái này diễn ra sau khi Mỹ công bố lạm phát giá tiêu dùng tháng Sáu của nước này lên tới 9,1% - mức cao mới trong 40 năm.

Điều này đã làm dấy lên suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ hơn - thậm chí có thể tăng 1 điểm phần trăm vào cuối tháng Bảy. Điều này sẽ gây thêm áp lực buộc các ngân hàng trung ương khác phải hành động tương tự.

Lạm phát có thể gần đạt đến đỉnh điểm, với giá năng lượng và lương thực, thực phẩm tăng ở mức vừa phải trong tháng này. Điều này có thể được phản ánh trong các chỉ số lạm phát trong tương lai.

Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương sẽ cần nhìn thấy xu hướng giá cả thấp hơn rõ ràng trong một vài tháng trước khi họ từ bỏ việc thắt chặt chính sách tiền tệ - động thái có thể vẫn tiếp tục diễn ra ít nhất là đến quý 4 năm nay. Điều gần như chắc chắn là tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay.

Các chỉ số hướng tới tương lai đối với Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) như chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) và các chỉ số đo lường lòng tin của người tiêu dùng đã cho thấy sự chậm lại. Điều này thúc đẩy các nhà kinh tế cắt giảm những dự báo tăng trưởng của họ cho năm 2022.

Một số nhà phân tích dự báo Eurozone sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm và thậm chí Mỹ có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật - được xác định khi hai quý liên tiếp tăng trưởng âm - vào cuối tháng Bảy.

[Giới phân tích hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của Singapore]

Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang chậm lại khi nước này phải đối mặt với các đợt bùng phát mới dịch COVID-19 vốn đã làm giảm tiêu dùng và làm gia tăng sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Cho đến nay, nền kinh tế Singapore đã duy trì được đà tăng trưởng khá tốt. Các ước tính được công bố ngày 14/7 cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2/2022 của “đảo quốc sư tử” đạt 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Hơn nữa, với việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới, các lĩnh vực như xây dựng, bán lẻ, dịch vụ ăn uống và lưu trú vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề trong suốt quá trình dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng cho tới nửa cuối năm 2021 ở Singapore, đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ.

Điều này có nghĩa là tăng trưởng năm nay của Singapore có khả năng diễn ra trên diện rộng hơn so với năm 2020 và 2021.

Tuy nhiên, với các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, tăng trưởng đang chậm lại ở các nền kinh tế lớn và những bất ổn liên quan đến cuộc xung đột của Nga ở Ukraine cho thấy triển vọng tăng trưởng của Singapore trong nửa cuối năm 2022 có thể sẽ ít thuận lợi hơn so với nửa đầu năm.

Bởi vậy, mặc dù, nền kinh tế nước này vẫn trên lộ trình tăng trưởng từ 3% đến 5%, phù hợp với dự báo chính thức, nhưng ngày càng có nhiều khả năng tăng trưởng GDP của Singapore sẽ chỉ đạt được từ 3-4%, hoặc thậm chí có thể thấp hơn./.

Nguyễn Thúy (TTXVN/Vietnam+)