Đồng USD chật vật giữ đà tăng trong bối cảnh các ngân hàng trung ương nhóm họp
Chỉ số đồng USD theo tỷ trọng thương mại đã giảm 0,07% xuống 103,19 và không đổi so với đồng euro ở mức 1,0898 USD đổi 1 euro.
Đồng USD đã chật vật để duy trì đà tăng trong phiên giao dịch tại châu Á ngày 22/1 trong bối cảnh các quyết định sắp tới của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã kiềm chế đà phục hồi của đồng USD nhờ các dữ liệu cuối tuần trước.
Trong khi đó, đồng yen của Nhật Bản đã rời khỏi mức thấp nhất trong một tháng ghi nhận được trong phiên 19/1 là 148,80 đổi 1 USD.
Đồng tiền này đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với đồng USD trong năm nay, giảm khoảng 5% so với mức cao nhất trong 5 tháng, gần 140 yen đổi 1 USD ghi nhận được trong tháng 12/2023.
BoJ bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ ngày 22/1. Những kỳ vọng về việc ngân hàng này sẽ sớm chấm dứt chính sách lãi suất âm đã “tan biến” sau trận động đất ngày đầu Năm mới ở bờ biển phía Tây Nhật Bản, cùng với bình luận ôn hòa của BoJ.
Chỉ số đồng USD theo tỷ trọng thương mại đã giảm 0,07% xuống 103,19 và không đổi so với đồng euro ở mức 1,0898 USD đổi 1 euro.
Đà tăng của đồng USD từ đầu năm 2024 đến nay mang tính thăm dò và dễ thay đổi khi các nhà đầu tư cố gắng đoán định khi nào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Dữ liệu cuối tuần trước cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ vẫn phục hồi mặc dù lãi suất ở mức cao nhất trong nhiều thập niên khiến thị trường giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất ngay từ tháng 3/2024.
Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly ngày 19/1 bày tỏ tin tưởng rằng nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Mỹ đang ở vị thế tốt và còn quá sớm để nghĩ rằng việc cắt giảm lãi suất sắp xảy ra.
Theo dữ liệu của CME Group, các nhà giao dịch đang đặt cược việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào tháng 5/2024, với xác suất cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024 giảm xuống dưới 50%, so với mức gần 80% trong những tuần đầu tiên của tháng 1/2024.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty môi giới trực tuyến Pepperstone, ông Chris Weston cho biết tỷ lệ đó khó có thể thay đổi nhiều cho đến cuối tuần này khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE), chỉ số lạm phát chính của Fed, được công bố.
Các nhà phân tích tại NatWest Markets cho biết có khả năng đồng USD sẽ tiếp tục điều chỉnh, nhưng lãi suất của Fed trong ngắn hạn dường như sẽ không thay đổi và hiện tại triển vọng kinh tế đã cân bằng hơn một chút.
Lợi suất trái phiếu chính phủ, vốn đi ngược chiều với lãi suất, đã tăng trong những ngày qua khi các quan chức Fed đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về việc nhanh chóng cắt giảm lãi suất.
Trong tuần này, thị trường cũng có nhiều vấn đề đáng bận tâm như cuộc họp chính sách của ECB và Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25/1, báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp và tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại toàn cầu.
Trước cuộc họp chính sách của ECB, những tranh luận được đưa ra đã phần nào thay đổi khi các nhà hoạch định chính sách chấp nhận rằng động thái tiếp theo là cắt giảm chi phí đi vay, nhưng thời điểm thực hiện sẽ muộn hơn và mức độ ít hơn những gì thị trường kỳ vọng.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng triển vọng lạm phát của ECB là chưa chính xác và dự đoán sẽ có 5 lần cắt giảm trong năm nay./.