Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo "căng não" chọn đơn hàng trong năm 2024
Xung đột chính trị, biến đổi khí hậu... tiếp tục đẩy nhu cầu nhập khẩu gạo tăng cao, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt hết sức thận trọng chọn các đơn hàng để giảm thiểu rủi ro nếu có biến động bất ngờ.
Nhu cầu thế giới về lương thực nói chung và gạo nói riêng trong năm 2024 được dự báo tiếp tục tăng, giá gạo xuất khẩu cũng sẽ neo cao. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo chia sẻ họ đang “căng não” tính toán nhận đơn hàng thế nào để giảm thiểu rủi ro nếu có biến động bất ngờ.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết các yếu tố khiến nhu cầu gạo và giá gạo tăng trong năm 2023 như xung đột chính trị, biến đổi khí hậu vẫn tiếp diễn trong năm 2024.
Do đó, nhu cầu nhập khẩu và dự trữ lương thực nói chung, lúa gạo nói riêng tiếp tục tăng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo ông Phạm Thái Bình, chiến tranh châu Âu chưa có hồi kết lại xảy ra xung đột mới làm cho tình hình thế giới càng trở nên bất ổn. Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang tác động rõ nét đến các quốc gia sản xuất nông nghiệp khiến diện tích sản xuất lương thực, lúa gạo bị thu hẹp.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia phải gia tăng nhập khẩu, dự trữ gạo để đảm bảo an ninh lương thực.
Dự báo năm 2024, thế giới đang thiếu hụt khoảng 5 triệu tấn gạo, còn Ấn Độ có khả năng tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo để giữ ổn định giá gạo trong nước.
Ngay từ cuối năm 2023, đầu năm 2024, nhiều khách hàng, quốc gia đã xúc tiến tìm kiếm nguồn cung gạo để nhập khẩu. Các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo.
Ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines lên tới 3,5-4 triệu tấn/năm và Việt Nam đang là nhà cung cấp gạo số 1 của nước này.
Gạo Việt Nam có những lợi thế nhất định tại thị trường Philippines như phẩm chất phù hợp với nhiều phân khúc tiêu dùng, từ người nghèo đến người có thu nhập cao và giá bán khá cạnh tranh.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có mối quan hệ mua bán lâu năm, tạo dựng được uy tín với đối tác nhập khẩu tại Philippines.
Thêm một yếu tố nữa là Việt Nam có vị trí địa lý gần Philippines hơn một số quốc gia xuất khẩu gạo khác, thời gian vận chuyển ngắn và chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn.
Theo ông Phùng Văn Thành, dư địa thị trường gạo tại Philippines còn lớn để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể khai thác tiếp. Vấn đề hiện nay là cần xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện gạo Việt Nam như thế nào để nhiều người dân Philippines biết họ đang sử dụng gạo Việt Nam.
Thực tế thời gian qua, dù sản lượng gạo Việt xuất khẩu sang Philippines rất nhiều nhưng rất ít gaọ có tên thương hiệu Việt Nam mà bao bì chỉ có một dòng chữ ghi xuất xứ Việt Nam rất nhỏ.
Một khách hàng xuất khẩu gạo lớn khác của Việt Nam là Indonesia cũng dự báo tăng nhập khẩu khoảng 600.000 tấn gạo trong năm 2024. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc và châu Phi cũng được dự báo sẽ tăng trong năm nay.
Ông Nguyễn Vĩnh Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang) cho rằng với tình hình chiến sự leo thang nhiều nơi cộng với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang khiến an ninh lương thực trở thành nỗi lo của nhiều quốc gia.
Do đó, dự báo giá gạo thế giới tiếp tục neo cao trong thời gian tới. Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, có lợi thế về ngành hàng lúa gạo, nên tận dụng cơ hội để nâng cao giá trị, đảm bảo lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp ngành gạo.
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực Phương Đông (Đồng Tháp) cho biết, trong quý 1 và quý 2/2024, nhu cầu gạo thế giới vẫn cao.
Khoảng thời gian đó Việt Nam có 2 vụ lúa chính là Đông Xuân và Hè Thu. Đây là hai vụ có năng suất, sản lượng cao nhưng lại đưa doanh nghiệp vào thế khó kinh doanh. Với giá lúa hiện tại đang ở mức cao, doanh nghiệp mua vào để tích trữ thì tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nếu không trữ hàng sẽ không có hàng bán cho những vụ tiếp theo. Do vậy, doanh nghiệp phải tiếp tục theo dõi, quan sát diễn biến thị trường rồi mới hành động.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, sự dè dặt của doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay cũng xuất phát từ “bài học” của năm 2023.
Khi giá cả biến động lớn đã khiến chuỗi cung ứng gạo bị đứt gãy, nhiều nhà cung cấp không giao hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu theo các hợp đồng ký trước đó trong khi doanh nghiệp vẫn phải giao hàng cho đối tác nước ngoài.
Để có gạo giao cho khách, doanh nghiệp buộc phải mua gạo ngoài hợp đồng với giá cao. Chỉ trong 3 tuần, giá gạo tăng đến 100-150 USD/tấn, doanh nghiệp không thể nào dự trù được, dẫn đến thua lỗ.
Đại diện một doanh nghiệp phân tích: một trong những yếu tố khiến thị trường lúa gạo thế giới “nóng lên” trong năm qua đến từ quyết định dừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ, bởi đây là quốc gia chiếm tới 40% sản lượng gạo xuất khẩu của thế giới.
Hiện tại, Ấn Độ chưa có động thái rõ ràng về việc sẽ tiếp tục cấm hay cho xuất khẩu gạo trở lại. Trong trường hợp nước này đã dữ trữ đủ lương thực, rất có thể họ sẽ xuất khẩu trở lại, nguồn cung gạo thế giới dồi dào sẽ khiến giá gạo giảm nhanh.
Do đó, doanh nghiệp nào mua gạo giá cao để dự trữ chắc chắn sẽ lỗ, thậm chí phá sản. Trong khi đó, với hầu hết đơn hàng dự trữ lương thực, các quốc gia sẽ tìm nguồn cung thông qua cơ chế đấu thầu, khách hàng thường chọn nhà cung cấp giá rẻ nên doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ nếu chào giá cao.
Ông Phạm Thái Bình cho biết thêm, hiện tại khách hỏi mua gạo khá nhiều nhưng hầu như không có giao dịch bởi doanh nghiệp không còn gạo để bán. Năm 2023 được mùa, được giá nên doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gần như toàn bộ sản lượng còn lại sau khi cân đối đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Đó là lý do vì sao xuất khẩu gạo Việt Nam lập cùng lúc hai kỷ lục cả về lượng và giá trị . Đến hiện tại, hầu hết doanh nghiệp không có gạo dự trữ mà phải chờ chính vụ Đông Xuân (sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) mới mua vào.
“Hiện nay, một số diện tích nhỏ vụ Đông Xuân sớm đang thu hoạch, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Giá lúa tươi mua tại ruộng đang mức rất cao, từ 10.000-10.500 đồng/kg.
Nếu duy trì giá này vào chính vụ Đông Xuân thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng không dám ký hợp đồng giao xa vì sợ biến động giá. Chiến lược sắp tới của nhiều doanh nghiệp có thể sẽ là mua tới đâu, bán tới đó, không dự trữ nhiều,” ông Bình chia sẻ./.