Đồng euro mất giá sẽ ảnh hưởng ra sao đến xuất khẩu của Việt Nam?
Với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU chi phí rẻ hơn nên nhập khẩu có lợi hơn.
Liên quan đến việc đồng euro mất giá nhiều nhất trong 20 năm gần đây sẽ ảnh hưởng ra sao tới xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU, chia sẻ với phóng viên TTXVN chiều 14/7, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong ngắn hạn, việc đồng euro mất giá có thể ảnh hưởng nhất định đến một số doanh nghiệp có hợp đồng thanh toán bằng đồng euro.
Hơn nữa, đối với doanh nghiệp xuất khẩu, cùng một lượng euro thu về số tiền quy đổi ra nội tệ ít hơn nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ EU chi phí sẽ rẻ hơn nên việc nhập khẩu sẽ có lợi hơn.
Về lâu dài, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hoá nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó, có Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải, những khó khăn, thách thức này đã được Chính phủ, Bộ Công Thương nhận định từ đầu năm khi đánh giá về cơ hội và thách thức đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Do đó, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt là thúc đẩy tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do đang tiếp tục được giảm thuế theo lộ trình cam kết.
[Tác động của việc đồng euro mất giá đối với các ngành hàng xuất khẩu]
Mặt khác, Bộ Công Thương còn thực hiện kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, ứng dụng môi trường Internet; phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá.
Trước đó, trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch 13/7, đồng USD rời khỏi mức cao nhất 20 năm qua và đồng euro tăng trở lại lên trên mức ngang giá với đồng USD sau khi có một khoảng thời gian ngắn giảm xuống dưới mức ngang giá với “đồng bạc xanh” sau số liệu lạm phát của Mỹ.
Giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 9,1% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua. Số liệu này khiến giới giao dịch gia tăng dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng này. Mức nâng lãi suất thêm ít nhất 75 điểm cơ bản được xem là gần như chắc chắn.
Sau khi số liệu này được công bố, đồng euro đã có thời điểm giảm xuống mức 0,9998 USD đổi 1 euro, đánh dấu lần đầu tiên đồng tiền này để “thủng” mốc 1 USD kể từ tháng 12/2012.
Nhưng sau đó, đồng euro đã nhanh chóng phục hồi về mức 1,0061 USD đổi 1 euro. Đồng tiền này được cho là có ngưỡng hỗ trợ ở vùng ngang giá với đồng USD.
Trong khi đó, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2002 là 108,59 điểm trong phiên này, trước khi giảm trở lại về mức 107,95 điểm.
Đồng euro đang chịu áp lực giảm giá khi châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Những lo ngại về triển vọng của châu Âu đã gia tăng kể từ khi đường ống vận chuyển khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức là Nord Stream 1 bước vào thời kỳ bảo dưỡng thường niên từ đầu tuần này.
Chính phủ các nước, thị trường, cũng như các công ty lo ngại rằng việc ngừng hoạt động của đường ống này có thể bị kéo dài vì xung đột tại Ukraine.
Sự suy yếu của đồng euro có thể sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng này của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Một phát ngôn viên của ECB cho biết ngân hàng này đang theo dõi diễn biến của đồng euro vì tác động của nó với lạm phát, nhưng sẽ không đặt ra một mức mục tiêu cụ thể nào với đồng tiền này./.