Nga cảnh báo G7 áp giá trần dầu mỏ có nguy cơ phản tác dụng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo việc ép giá dầu mỏ sẽ đi ngược lại quy luật thị trường và mang lại nhiều rủi ro.

Giếng dầu ở thành phố Almetyevsk, Cộng hòa Tatarstan, LB Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Ngày 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo các nỗ lực của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhằm áp giá trần dầu mỏ của Nga có thể trở thành nguyên nhân khiến nguồn nhiên liệu này tiếp tục tăng giá.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, bà Zakharova nhấn mạnh việc ép giá dầu mỏ sẽ đi ngược lại quy luật thị trường và mang lại nhiều rủi ro.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng bình luận về chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden và về các thông tin quanh việc ông Biden nhiều khả năng sẽ đề nghị nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới - Saudi Arabia - nâng sản lượng khai thác dầu thô nhằm "hạ nhiệt" giá dầu đang ở mức cao như hiện nay.

[IEA đề xuất áp mức giá trần với dầu thô và sản phẩm tinh chế từ Nga]

Bà Zakharova nhấn mạnh Moskva đánh giá cao mối quan hệ hợp tác lâu dài với Saudi Arabia trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời cho rằng giá dầu mỏ và khí đốt cao là do "những sai lầm" của phương Tây trong chính sách năng lượng, cũng như do các lệnh trừng phạt nhằm vào các nhà sản xuất năng lượng lớn như Nga, Iran và Venezuela.

Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cũng cảnh báo động thái tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine có nguy cơ đẩy giá năng lượng lên mức cao ngất ngưởng, gây bất lợi cho người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Bất chấp các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có từ phương Tây liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, Moskva vẫn có nguồn thu lớn từ hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt ngay cả khi lượng xuất khẩu bị giảm.

Theo số liệu của Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA), doanh thu đến từ dầu khí của Nga gia tăng trong tháng 5, dù sản lượng xuất khẩu sụt giảm.

Giới chức phương Tây cho rằng việc áp đặt giới hạn giá đối với dầu xuất khẩu từ Nga có thể là giải pháp cho tình thế khó xử trên.

Việc áp giá trần là một trong số các phương pháp có thể gia tăng sức ép kinh tế đối với Nga mà không khiến giá dầu toàn cầu tiếp tục tăng vọt.

Giá dầu mỏ của Nga hiện được bán với mức chiết khấu lớn trên toàn cầu. Hiện dầu Urals của Nga được bán ở mức khoảng 75 USD/thùng, thấp hơn so với dầu Brent giao ngay được bán với giá gần 100 USD/thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)