Đồng euro của châu Âu sẽ mất giá đến mức nào?

Việc đặt cược rằng đồng euro sẽ tiếp tục giảm xuống dưới mức ngang giá đã tăng lên trong những ngày gần đây khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn.

Đồng euro (phía sau) và đồng USD tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đồng euro của châu Âu vừa trải qua một “cú sốc lớn” khi tỷ giá của nó lần đầu tiên trong vòng 20 năm giảm xuống mức ngang bằng với đồng USD.

Thậm chí các nhà giao dịch tiền tệ cho rằng sự trượt giá này khó có thể dừng lại ở mức hiện tại.

Nguyên nhân đồng euro giảm giá

Một trong những nguyên nhân khiến đồng euro mất giá là do giá khí đốt tăng mạnh và sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung năng lượng từ Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, gây ra lo ngại suy thoái trong khu vực đồng euro.

Ngày 12/7, đồng euro giao dịch ở mức thấp khoảng 1,0007 USD/euro, mức trượt lớn từ 1,15 USD/euro trước thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sự sụt giảm mạnh đã đưa đồng euro gần chạm mức tương đương với đồng USD lần đầu tiên kể từ cuối năm 2002.

Triển vọng chung của Khu vực đồng euro (Eurozone) xấu đi trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao và lo ngại về việc Nga cắt nguồn cung khí đốt đang kéo đồng tiền chung đi xuống. Sự phụ thuộc quá lớn của các nền kinh tế lớn như Đức và Italy vào khí đốt của Nga đã khiến các nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Các nhà kinh tế dự báo một cuộc suy thoái nhanh và trầm trọng hơn có thể xảy ra ở Eurozone. Thêm vào đó là sự khác biệt về mức lãi suất ở Mỹ và Eurozone.

Trong lúc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh mẽ để giảm lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho đến nay lại không đưa ra các quyết định tương tự.

[Đồng euro tiếp tục giảm gần về mức ngang giá với USD]

Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức, ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của Đức và Áo tại ING, cho rằng: “Lãi suất ở Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 3% so với 1% ở châu Âu. Vì vậy, tiền sẽ có lợi suất cao hơn”. Đó là chưa kể, đồng USD cũng đang được hưởng lợi từ sức hấp dẫn trú ẩn an toàn.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm và không chắc chắn, các nhà đầu tư đang cảm thấy thoải mái với sự an toàn tương đối mà đồng USD mang lại.

Đồng euro yếu hơn tác động đến người tiêu dùng như thế nào

Đồng euro trượt giá sẽ tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu vốn đang quay cuồng với lạm phát cao kỷ lục. Một đồng tiền yếu hơn sẽ làm cho hàng nhập khẩu, chủ yếu bằng USD, đắt hơn. Khi những mặt hàng như nguyên liệu thô hoặc hàng hóa trung gian có chi phí cao hơn, chúng có thể làm tăng giá nội địa.

Bình thường, đồng tiền yếu được coi là tin tốt cho các nhà xuất khẩu và các nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu như Đức, vì nó thúc đẩy xuất khẩu bằng cách làm cho chúng rẻ hơn tính theo đồng USD. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm bình thường do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, các lệnh trừng phạt và cuộc xung đột tại Ukraine đang tác động đến mọi khía cạnh kinh tế.

Ông Brzeski nhận định: “Trong tình hình căng thẳng địa chính trị hiện nay, tôi nghĩ rằng lợi ích từ một đồng tiền yếu sẽ ít hơn những bất lợi mà nó đem đến”.

Đồng euro tại một ngân hàng ở Heidelberg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù vậy, đối với những du khách Mỹ đến châu Âu vào mùa Hè này, đồng euro yếu là một điều may mắn. Vì ở cấp độ ngang giá, về mặt lý thuyết, họ có thể đổi 1.000 USD của mình lấy 1.000 euro thay vì dưới 900 euro như hồi tháng 2/2022. Nói cách khác, đồng USD của họ sẽ có giá hơn rất nhiều. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa châu Âu, mọi thứ sẽ rẻ hơn tính theo đồng USD.

Đáy của đồng euro ở đâu?

Việc đặt cược rằng đồng euro sẽ tiếp tục giảm xuống dưới mức ngang giá đã tăng lên trong những ngày gần đây khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn.

Các chiến lược gia của Nomura International dự báo rằng đồng euro có thể giảm xuống mức thấp nhất là 0,95 USD/euro. Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Đức, George Saravelos cũng đưa ra dự đoán tương tự khi cho rằng đồng euro có thể giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại 0,95-0,97 USD/euro.

Ông Viraj Patel, một chiến lược gia ngoại hối tại Vanda Research, nhận định: “Đồng euro đang giao dịch như thể một cuộc khủng hoảng ở châu Âu đang cận kề. Vì vậy, cần phải theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến xung quanh nguồn cung khí đốt và các yếu tố địa chính trị có khả năng đẩy đồng euro suy yếu xuống dưới mức tương đương”./.

Phương Hoa (Vietnam+)