IEA cảnh báo giá dầu cao vẫn chưa thể làm giảm nhu cầu
IEA cảnh báo đà phục hồi của kinh tế toàn cầu có thể "trật bánh" trừ khi các chính phủ thực hiện biện pháp để giảm tiêu thụ và đà tăng của giá nhiên liệu là mối đe dọa cho sự ổn định ở một số nước.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/7 cảnh báo giá dầu cao vẫn chưa thể làm giảm nhu cầu, vốn sẽ tiếp tục tăng và có thể sớm vượt nguồn cung.
IEA cảnh báo đà phục hồi của kinh tế toàn cầu có thể "trật bánh" trừ khi các chính phủ thực hiện các biện pháp để giảm tiêu thụ. Theo IEA, đà tăng của giá nhiên liệu là mối đe dọa cho sự ổn định ở một số quốc gia.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất về thị trường dầu mỏ, IEA - cơ quan tư vấn cho các quốc gia phát triển về chính sách năng lượng, cho biết nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ về chính sách sử dụng năng lượng, nguy cơ nền kinh tế thế giới chệch hướng phục hồi vẫn ở mức cao.
Giá dầu đã tăng từ khoảng 80 USD/thùng vào đầu năm nay lên hơn 120 USD/thùng sau khi xung đột Nga-Ukraine làm dấy lên lo ngại về nguồn cung và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc sau khi các đợt phong tỏa chống dịch thúc đẩy nhu cầu.
Nếu giá xăng cao bắt đầu làm giảm nhu cầu ở các nước công nghiệp phát triển, IEA cho biết điều này đã được cân bằng lại nhờ nhu cầu phục hồi mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc và một số quốc gia đang phát triển.
[Giá dầu thế giới "tuột dốc" do giá trị đồng USD tăng mạnh]
IEA dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng lên 99,2 triệu thùng/ngày trong năm nay và đạt 101,3 triệu thùng/ngày trong năm tới. Trong khi đó, nguồn cung tăng lên 100,1 triệu thùng/ngày trong năm nay và dự kiến lên mức kỷ lục 101,1 triệu thùng/ngày vào năm tới, vẫn thấp hơn nhu cầu.
IEA lưu ý rằng thế giới có rất ít khả năng để tăng sản lượng. Theo cơ quan này, sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) thậm chí có thể giảm trong năm tới nếu nguồn cung của Nga sụt giảm do các lệnh trừng phạt quốc tế.
IEA lưu ý thêm việc đồng USD mạnh lên so với các loại tiền tệ khác khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đã làm tăng gánh nặng về chi phí nhập khẩu thực phẩm và dầu mỏ của nhiều quốc gia đang phát triển và mới nổi, trong đó phải kể đến Sri Lanka, quốc gia đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do bất ổn xã hội./.