Đội ngũ trí thức - nòng cốt, tiên phong trong nhiều hoạt động của thành phố Cảng
Thành phố Hải Phòng đã có chủ trương cùng nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, bố trí kinh phí, cơ sở, vật chất để bảo đảm điều kiện hoạt động cho đội ngũ trí thức.
Thành phố Hải Phòng đã có chủ trương cùng nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, bố trí kinh phí, cơ sở, vật chất để bảo đảm điều kiện hoạt động cho đội ngũ trí thức.
Hải Phòng xác định đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước và mỗi địa phương.
Trọng điểm phát triển khoa học
Trong Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ mục tiêu phát triển đến năm 2030 là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á.
Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển Hải Phòng là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển là: dịch vụ cảng biển-logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người. Hải Phòng là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Thực hiện được các mục tiêu của Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự cụ thể hóa khát vọng phát triển địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về "xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045."
Theo Quy hoạch, Hải Phòng sẽ trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ biển của cả nước; thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới, với những định hướng, giải pháp đột phá mang tầm chiến lược dài hạn, giúp khơi thông các điểm nghẽn và khai thác tốt vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng của thành phố.
Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với trí thức khoa học và công nghệ do Thành ủy tổ chức mới đây, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu nhấn mạnh thành phố hiện có hơn 50.000 trí thức hoạt động trong các lĩnh vực như quản lý, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học-công nghệ và các lĩnh vực sự nghiệp công tác khác.
Đội ngũ trí thức đã có sự phát triển nhanh về số lượng, trưởng thành về chất lượng; thực sự là nòng cốt, đi tiên phong trong nhiều hoạt động, nhất là nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, thông tin, phổ biến kiến thức, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống...
Nhiều trí thức của Hải Phòng là những tấm gương tiêu biểu trong học tập, nghiên cứu, lao động và sản xuất được Đảng, Nhà nước vinh danh, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Trong quý 1 vừa qua, Hải Phòng đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng GRDP, đạt 9,32% (gấp 1,6 lần mức tăng bình quân chung cả nước); thu ngân sách nội địa tăng trên 130% (đạt 50 % dự toán Trung ương giao).
Hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư mạnh mẽ; diện mạo đô thị, nông thôn chuyển biến theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội về an sinh xã hội được ban hành; lĩnh vực y tế được quan tâm, giáo dục đạt nhiều thành tích nổi bật. Thành phố là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các chính sách xã hội; quốc phòng-an ninh được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân thành phố tiếp tục cải thiện...
Trong những thành tựu đáng tự hào đó có sự đóng góp rất quý báu, quan trọng của các trí thức trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên nhìn từ thực tế, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cho rằng thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ngay tại thời điểm này, nếu thành phố không tìm ra và khai thông động lực tăng trưởng mới, trong tương lai gần 5-10 năm tới, Hải Phòng sẽ khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số. Cùng đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn không thể đảo ngược, chất lượng nguồn nhân lực sẽ là chìa khóa quyết định thành bại trong cạnh tranh thu hút đầu tư.
Tuy vậy, khi đánh giá lại tổng thể chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục bậc cao, kể cả nghiên cứu khoa học trên địa bàn còn nhiều hạn chế. Cùng thành quả phát triển kinh tế với trọng tâm là phát triển công nghiệp, thành phố đang phải giải quyết nhiều thách thức về vấn đề xã hội. Đó là ô nhiễm môi trường, nước sạch nông thôn; vấn đề về y tế, giáo dục, phát triển đô thị...
Giải pháp đột phá
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Văn Quân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Hải Phòng cần xây dựng chương trình nghiên cứu dài hạn, tập trung đầu tư các vấn đề thành phố cần giải quyết để phát triển kinh tế-xã hội. Thành phố đặt hàng các Viện nghiên cứu, nhà khoa học thực hiện, áp dụng nguyên tắc chấp nhận đầu tư rủi ro với những lĩnh vực nghiên cứu tiên phong, mới và có mức độ phức tạp cao.
Đồng thời, địa phương xây dựng, thực hiện đồng bộ chính sách phát triển đội ngũ các nhà khoa học như chính sách thuế thu nhập cá nhân, thu hút đãi ngộ cán bộ khoa học trẻ, người có trình độ cao, nhà khoa học Việt kiều về làm việc trên địa bàn; tăng cường hợp tác quốc tế để hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ biển của các cơ quan, ban, ngành, các viện nghiên cứu và trường Đại học.
Tiến sỹ Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng, chia sẻ để thành phố trở thành trọng điểm phát triển khoa học, công nghệ, Hải Phòng kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện và ban hành các nghị định, thông tư về quản lý và các chế độ chính sách đối với các Hội nói chung, Hội được Nhà nước giao nhiệm vụ nói riêng thay thế Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về "xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và các thông tư hướng dẫn đã lạc hậu, để tạo điều kiện cho các Hội hoạt động thuận lợi và thực sự hiệu quả, tránh hình thức.
Thành phố sớm nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, đào tạo và sử dụng, tạo môi trường làm việc cho đội ngũ trí thức chất lượng cao; quy chế biểu dương, tôn vinh đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để trí thức có tài năng, chất lượng cao trong và ngoài thành phố cống hiến cho thành phố, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và thực hiện Nghị quyết số 45.
Ông Hà Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sobek Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng, cho rằng để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thời gian tới, các doanh nghiệp, ngành chức năng, chính quyền các cấp và các địa phương cần có thêm nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải được đặt trong tổng thể mô hình phát triển doanh nghiệp của mỗi địa phương.
Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, các tổ chức, hội, nhóm, câu lạc bộ trí thức của thành phố cần tăng cường sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ, trao đổi, chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa; đồng thời, triển khai nhiều chương trình, phong trào hay, những diễn đàn, cuộc thi để có thể tạo ra những sân chơi nghiên cứu khoa học thật sôi động và cạnh tranh.
Mỗi tổ chức của trí thức cần đổi mới hoạt động theo hướng tích cực, sôi nổi và hiệu quả, bám sát những chủ trương, định hướng phát triển, đi thẳng vào những điểm nghẽn phát triển của thành phố./.