Độc đáo bức tranh "Mục đồng thổi sáo" trên cánh đồng Tam Cốc
Tuy đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, nhưng đến thời điểm này bức tranh "Mục đồng thổi sáo" đã hoàn thiện và dần hiện lên những khoảng màu rõ rệt, hứa hẹn một bức tranh độc đáo.
Sau 2 bức tranh bằng lúa thể hiện hình ảnh "Cờ hội" và "Cá chép trông trăng" được người dân tạo dựng trên cánh đồng lúa vàng Tam Cốc, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, năm nay cánh đồng lúa nghệ thuật này tiếp tục được làm mới với hình ảnh cậu bé chăn trâu thổi sáo, lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian "Mục đồng thổi sáo."
Đây hứa hẹn sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn chào đón nhân dân và du khách khi đến với Tuần Du lịch Ninh Bình "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" dự kiến diễn ra tới đây.
Cánh đồng Tam Cốc là một trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam, nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An, có diện tích hơn 18ha uốn lượn bên dòng sông Ngô Đồng.
Bức tranh "Mục đồng thổi sáo" bằng lúa năm nay có diện tích gần 10.000 m2. Để thực hiện được bức tranh, Ban Tổ chức và người dân địa phương đã phải chuẩn bị và tiến hành cấy lúa từ nhiều tháng trước.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hoa Lư, để hỗ trợ nông dân duy trì việc cấy lúa, tạo cảnh quan đẹp phục vụ du lịch, ngay từ đầu vụ, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đôn đốc, hướng dẫn Hợp tác xã nông nghiệp Văn Lâm triển khai thực hiện.
Đồng thời, Phòng thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Trước đó, đơn vị đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Ninh Hải thực hiện nghiêm túc việc hỗ trợ toàn bộ phân bón, giống lúa cho bà con. Đến nay, diện tích lúa đã lên xanh tốt, phát triển đồng đều. Hình ảnh cậu bé chăn trâu thổi sáo dần hiện lên sắc nét.
Giống lúa năm nay vẫn là giống Thái Xuyên 111, có đặc điểm cây cứng, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với đồng đất nơi đây.
Mặc dù đầu vụ có các đợt rét đậm làm ảnh hưởng đến khung gieo cấy nhưng do tích cực chăm bón, đến nay cánh đồng lúa Tam Cốc đang phát triển rất xanh tốt, đồng đều.
Là một trong những xã viên nhiều năm nay được lựa chọn để cấy và chăm sóc bức tranh độc đáo, ông Chu Văn Trinh (thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) chia sẻ, bức tranh năm nay khó hơn do có nhiều chi tiết phức tạp như mắt, mũi, miệng, đặc biệt phải thể hiện được thần thái tươi tắn, thư thái của cậu bé và chú trâu.
Chú trâu trong bức tranh có đôi tai vểnh lên nghe ngóng, đôi chân tung tăng như nhảy theo tiếng sáo, gương mặt vui vẻ yêu đời.
Tuy đòi hỏi những kỹ thuật cao nhưng được sự hướng dẫn sát sao của họa sỹ và các cán bộ, kỹ sư nông nghiệp cùng kinh nghiệm nhiều năm tạo hình trên cánh đồng Tam Cốc nên đến thời điểm này bức tranh "Mục đồng thổi sáo" đã hoàn thiện và dần hiện lên những khoảng màu rõ rệt, hứa hẹn một bức tranh độc đáo.
Theo Ban Tổ chức, năm nay, cánh đồng nghệ thuật Tam Cốc tiếp tục được làm mới với hình ảnh cậu bé chăn trâu thổi sáo mang theo những khát vọng đẹp đẽ của người dân. Bức tranh thể hiện ước nguyện của người dân về "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để luôn có những vụ mùa bội thu.
Hình ảnh cậu bé khôi ngô, tươi tắn ngồi trên lưng trâu, xung quanh đều là cỏ cây, đất trời rộng lớn thể hiện khát vọng được hòa hợp với thiên nhiên để có được sự thuận lợi cho vụ mùa phát triển, hoa màu tốt tươi.
Đồng thời, bức tranh có ý nghĩa tôn vinh những giá trị văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của vùng đất Cố đô địa linh, nhân kiệt; là lời cảm ơn đến con vật chăm chỉ, hiền lành, luôn gắn bó với các hoạt động lao động sản xuất của mỗi gia đình nhà nông.
Qua đó nhắc nhở mỗi người về đức tính siêng năng, cần cù trong cuộc sống. Bức tranh không chỉ mang đến cho du khách cảm nhận về không gian thân thuộc, yên bình của làng quê Việt Nam mà còn ca ngợi hình ảnh người nông dân ngoài trồng lúa còn không ngừng sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa, làm giàu thêm đời sống tinh thần.
Tuần du lịch Ninh Bình năm 2024 có chủ đề "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An," dự kiến diễn ra trong 8 ngày theo quy mô cấp tỉnh.
Trong Tuần du lịch sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc được tổ chức như Lễ khai mạc Tuần du lịch Ninh Bình năm 2024; trình diễn, trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh; trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống; các chương trình văn hóa, văn nghệ quần chúng, múa rối nước, hát chèo, hát xẩm. Đặc biệt, năm nay Hội thi chọi dê sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Tuần du lịch./.