Hội Cựu Chiến binh TTXVN phấn đấu thi đua, hướng đến 70 năm Điện Biên Phủ
Với mỗi người lính, cựu chiến binh trên mặt trận thông tin, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp nhìn lại những trang sử hào hùng của đất nước mà ở đó không thể thiếu vai trò của người làm báo.
Chiều ngày 19/4 tại Tòa Nhà Trung Tâm Thông Tấn Quốc Gia, Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cùng Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống mang tên “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi.”
Buổi sinh hoạt đặc biệt có ý nghĩa, khi cả nước đang tiến vào thời gian kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Mỗi người lính, cựu chiến binh trên mặt trận thông tin lại có dịp nhìn lại những trang sử hào hùng của đất nước mà ở đó không thể thiếu vai trò của người làm báo.
Ông Trần Tràng Dương - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cho biết buổi sinh hoạt nhằm ôn lại lịch sử nhằm tôn vinh, tri ân các thế hệ cha ông đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy truyền thống chiến đấu vẻ vang của dân tộc, cổ vũ động viên các thế hệ sau trong học tập, lao động và xây dựng tổ quốc.
Tại buổi sinh hoạt, các chi hội cựu chiến binh của Thông tấn xã Việt Nam đã có cơ hội đóng góp tham luận và nghe chia sẻ từ Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và cả những cá nhân vừa người vừa làm lính chiến trường, vừa là lính trên mặt trận thông tin.
Ông Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam - từng tham gia cầm súng và làm nhiệm vụ báo chí trên mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, là một người như vậy.
Ông kể câu chuyện Báo Quân đội Nhân dân từng tổ chức tòa soạn và xuất bản các số báo ngay trên chiến trường Điện Biên Phủ. “Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh Việt Nam có một tòa soạn được thành lập và hoạt động cách chiến hào chỉ một khoảng rất ngắn” - ông chia sẻ.
Từ đây, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định công tác báo chí và người phóng viên trên chiến trường có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông nhấn mạnh người làm báo cũng luôn phải giữ vững đạo đức nghề nghiệp - điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp căn dặn ông cùng đoàn phóng viên, biên tập viên báo Hà Nội Mới (khi đó ông Lợi là Tổng Biên tập Báo) trong chuyến thăm Đại tướng năm 2009.
Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam - nhận xét những câu chuyện lịch sử đã cho thấy sự tâm huyết của những người lính thông tin với nhiệm vụ của mình. Ông khẳng định buổi sinh hoạt là dịp sinh hoạt quý báu để ôn lại lịch sử, qua đó tự thấy mỗi người lớn lên, trưởng thành hơn, bởi “đó là giá trị của lịch sử, để từ đây chúng ta tiếp tục lan tỏa những câu chuyện ấy cho thế hệ mai sau.”
Cũng theo ông Bế Xuân Trường, những người thi đua là những người yêu nước nhất. Đã có rất nhiều cuộc thi đua được kêu gọi thực hiện trên mọi mặt trận, chính sự huy động và tinh thần thi đua ấy đã làm nên sức mạnh tổng lực, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng và đến những giai đoạn lịch sử sau đó nữa.
Thượng tướng khẳng định với người làm báo, cuộc thi đua của các đồng chí chính là góp phần vào công cuộc thi đua chung của đất nước, phát huy khối sức mạnh đoàn kết các dân tộc, luôn nắm các tư tưởng quan điểm của đảng trong các thời điểm lịch sử để thông tin thông tấn được nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, để cả dân tộc nắm được tư tưởng và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi sinh hoạt còn có báo cáo tham luận của Chi hội các ban biên tập và tòa soạn về công tác đưa tin liên quan Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chi hội văn phòng về nêu cao trách nhiệm cựu chiến binh trong đảm bảo an ninh, an toàn cơ quan thông tin…
Kết thúc buổi sinh hoạt, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam - ông Phan Anh Tuấn khẳng định cuộc gặp mặt, chia sẻ là vinh dự, sự động viên khích lệ cho Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và để không ngừng thi đua, phấn đấu công tác tốt./.