Doanh số toàn cầu của McDonald’s giảm mạnh hơn dự kiến
Theo dữ liệu của LSEG, doanh số toàn cầu của McDonald’s giảm 1,5% trong quý 3, giảm mạnh hơn so với mức ước tính trung bình 0,72% của giới phân tích và là mức giảm mạnh nhất trong 4 năm.
Ngày 29/10, McDonald’s công bố doanh số toàn cầu của chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh hàng đầu của Mỹ này trong quý 3/2024 đã giảm mạnh hơn dự kiến, do nhu cầu yếu tại các thị trường trọng điểm.
Theo dữ liệu của LSEG, doanh số toàn cầu của McDonald’s giảm 1,5% trong quý 3, giảm mạnh hơn so với mức ước tính trung bình 0,72% của giới phân tích và là mức giảm mạnh nhất trong 4 năm. Thu nhập ròng giảm 3% so với cùng kỳ năm trước xuống 2,26 tỷ USD.
Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh ghi nhận tình trạng vắng khách khắp các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trong bối cảnh khách hàng tìm đến thực phẩm rẻ hơn và nấu ăn tại nhà nhiều hơn.
Tại Mỹ, hoạt động của McDonald's đang rơi vào khủng hoảng sau khi vi khuẩn E.coli bùng phát liên quan đến sản phẩm burger Quarter Pounder của hãng, khiến ít nhất 1 người tử vong và gần 75 người bị ngộ độc tuần trước.
McDonald's đã tạm dừng phục vụ sản phẩm Quarter Pounders tại 20% trong số 14.000 cửa hàng tại Mỹ. Cơ quan Nông nghiệp bang Colorado đã loại trừ thịt bò kẹp trong sản phẩm burger này là nguồn lây nhiễm vi khuẩn E.coli.
Bánh Quarter Pounder được phục vụ với hành tây sống thái mỏng và loại thực phẩm này bị nghi là nguồn lây nhiễm.
Ngày 29/10, Giám đốc điều hành Christopher Kempczinski bày tỏ lo ngại về các ca nhiễm E.coli gần đây, đồng thời bày tỏ xin lỗi các thực khách vì trải nghiệm tiêu cực liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm này.
Công ty nghiên cứu Gordon Haskett ghi nhận số lượng khách ghé thăm cửa hàng trong các ngày 23, 24 và 25/10 lần lượt giảm 6,4%, 9,1% và 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số McDonald's tại Mỹ tăng 0,3% trong quý kết thúc ngày 30/9, trái ngược với mức giảm trong quý trước, một phần nhờ chương trình thực đơn trị giá 5 USD được gia hạn đến tháng 12 tới tại hầu hết các cửa hàng.
Doanh số trên thị trường quốc tế giảm 2,1%, giảm mạnh hơn so với mức ước tính 1,21%, chủ yếu do nhu cầu sụt giảm tại Anh và Pháp.
Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng cũng yếu hơn tại Trung Quốc và căng thẳng tại Trung Đông ảnh hưởng. Doanh số của các cửa hàng tại đây giảm 3,5%, ngược lại mức tăng 10,5% vào cùng kỳ năm ngoái./.