Đắk Nông: Không đăng kiểm được tàu vì mỏ cát nằm giữa hai thủy điện
Hiện Công ty Phước Lộc đang có 2 tàu khai thác cát với tổng công suất khoảng 90 m3; trong đó, 1 tàu đã hết hạn đăng kiểm vào tháng 4/2024, tàu còn lại sẽ hết hạn vào tháng 11/2024.
Nhiều chủ mỏ cát xây dựng tại Đắk Nông đang kiến nghị ngành chức năng sớm có giải pháp tháo gỡ để doanh nghiệp đăng kiểm tàu khai thác cát.
Nguyên do là tàu đã hết hạn đăng kiểm nhưng vướng hai thủy điện chắn ngang dòng sông nên không thể đưa tàu về cơ sở đăng kiểm theo quy định.
“Cầu cứu” vì tàu hết hạn đăng kiểm
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Khai thác khoáng sản Phước Lộc (Công ty Phước Lộc) được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cấp phép khai thác cát xây dựng tại mỏ cát Quảng Phú 4, thuộc địa giới hành chính thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông từ năm 2020.
Hiện doanh nghiệp đang có 2 tàu khai thác cát với tổng công suất khoảng 90 m3; trong đó, 1 tàu đã hết hạn đăng kiểm vào tháng 4/2024, tàu còn lại sẽ hết hạn vào tháng 11/2024.
Theo ông Nguyễn Đình Tài - Phó Giám đốc Công ty Phước Lộc, mỏ cát của Công ty nằm giữa hai thủy điện. Nếu di chuyển khoảng 5 km về phía thượng nguồn là thủy điện Buôn Tua Srah, di chuyển khoảng 2 km về phía hạ nguồn là thủy điện Chư Pông Krông (đều nằm trên địa bàn xã Quảng Phú).
Cả hai đập thủy điện này đều chắn ngang sông Krông Nô và việc di chuyển qua đập thủy điện của các phương tiện đường thủy là không thể thực hiện được, kể cả tàu cá có công suất, tải trọng nhỏ.
Từ đầu năm 2024, doanh nghiệp đã chủ động liên hệ đơn vị đăng kiểm để đăng ký lịch và thực hiện việc đăng kiểm tàu. Tuy nhiên, đơn vị đăng kiểm yêu cầu phải đưa tàu đến cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tàu đã được cấp phép theo quy định.
“Công ty không thể chạy tàu tới cơ sở bảo dưỡng được vì tàu có công suất, tải trọng lớn, khu vực hoạt động nằm giữa hai đập thủy điện, nhiều đoạn trong lòng sông Krông Nô có nhiều đá ngầm. Thêm nữa, việc kéo tàu lên bờ để thuê phương tiện di chuyển bằng đường bộ cũng không thực hiện được, phần do kích thước tàu, phần do đường vào mỏ cát (từ Quốc lộ 28) nhỏ hẹp, xe tải trọng lớn không thể di chuyển," ông Tài chia sẻ thêm.
Tàu khai thác cát có bề ngang khoảng 6 m, chiều dài khoảng 30 m. Hiện Công ty đã kiến nghị tới các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vấn đề đăng kiểm tàu và đang chờ phản hồi. Doanh nghiệp không còn cách nào khác hơn là cầu cứu cơ quan chức năng tháo gỡ, hỗ trợ.
Theo đại diện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hải Khánh Ngân (Công ty Hải Khánh Ngân)-đơn vị được cấp phép khai thác cát tại mỏ liền kề với Công ty Phước Lộc, trước đây, đơn vị đăng kiểm đồng ý cho kéo tàu cát lên bờ để kiểm tra, sửa chữa tại bãi của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, gần đây, đơn vị đăng kiểm không chấp nhận việc lên đà tại bãi và yêu cầu phải đưa tàu về cơ sở kiểm tra, sửa chữa tàu đã được cấp phép. Đối với doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát giữa hai thủy điện (như trường hợp Công ty Hải Khánh Ngân, Công ty Phước Lộc) thì không thể thực hiện được việc này.
Thậm chí, nếu không “kẹt” giữa hai thủy điện thì nhiều đoạn sông Krông Nô cũng không thể di chuyển tàu với công suất lớn vì có nhiều ghềnh, thác, bãi đá ngầm…, rất nguy hiểm.
Còn muốn vận chuyển đường bộ thì chỉ còn cách cắt tàu ra. Nhưng việc này thì lại không được phép-đại diện Công ty Hải Khánh Ngân chia sẻ thêm.
Theo ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, hiện có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát tại các mỏ cát nằm giữa hai thủy điện Buôn Tua Srah và Chư Pông Krông. Tổng số tàu khai thác cát của 4 doanh nghiệp là 8 chiếc; trong đó, 4 chiếc đã hết hạn đăng kiểm.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, theo quy định thì tối đa 36 tháng phải đưa tàu lên đà để kiểm tra các điều kiện về kỹ thuật, nhất là phần chìm dưới nước, để thực hiện việc đăng kiểm.
Liên quan tới các kiến nghị của doanh nghiệp, Chi cục Đăng kiểm số 5 đang tổng hợp, báo cáo các điều kiện thực tế và kiến nghị, đề xuất lên cấp có thẩm quyền.
Kiến nghị tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp
Liên quan tới vấn đề này, ngày 10/10 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc kiểm định lại các phương tiện thủy nội địa đã hết hạn kiểm định trên địa bàn.
Tỉnh Đắk Nông có địa hình đồi núi chia cắt, hệ thống sông, suối có độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, đập thủy điện được xây dựng chắn ngang dòng sông. Hiện toàn tỉnh có 15 phương tiện thủy nội địa thuộc diện phải đăng kiểm; trong đó, có 10 tàu khai thác cát và 5 tàu chở khách du lịch.
Tính đến tháng 10/2024, trong số 15 phương tiện này đã có 6 phương tiện đã hết hạn kiểm định nhưng chưa được đăng kiểm lại.
Theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, đơn vị đăng kiểm yêu cầu khi đến thời hạn kiểm định lại phải đưa tàu đến cơ sở có chức năng bảo dưỡng, sửa chữa được cấp phép để kiểm định phương tiện.
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, việc di chuyển phương tiện đến các cơ sở này là không thể thực hiện được do các dòng sông có nhiều ghềnh, thác, bãi đá ngầm, hoặc vướng các thủy điện.
Việc các phương tiện không thể kiểm định lại sẽ ảnh hưởng tới việc khai thác, cung ứng cát xây dựng cho các công trình trên địa bàn tỉnh, nhất là dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) dự kiến khởi công vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.
Trước thực tế này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có cơ chế “đặc thù,” cho phép các phương tiện được lên đà tại bãi của doanh nghiệp để kiểm tra và kiểm định lại, nếu phương tiện đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định thì cấp phép đăng kiểm để hoạt động.
Đây là cơ chế “đặc thù” không riêng tỉnh Đắk Nông mà còn phù hợp với các tỉnh khác tại khu vực Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền núi trong cả nước.
Liên quan tới các cơ sở đủ năng lực để thực hiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa, trong đó có nội dung đăng kiểm tàu, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã cấp phép cho 2 cơ sở tại huyện Krông Ana và Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) vào cuối năm 2022.
Còn tỉnh Đắk Nông hiện chưa có doanh nghiệp được cấp phép đủ năng lực để thực hiện việc này./.