DN thực phẩm, đồ uống điều chỉnh chiến lược kinh doanh cuối năm
Doanh nghiệp cho rằng thị trường ngành thực phẩm và đồ uống sẽ lạc quan hơn so với những tháng đầu năm nhưng 15,4% doanh nghiệp cho rằng thị trường ngành thực phẩm và đồ uống sẽ khó khăn hơn.
Nhận định về sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm nay, xét trong tình hình kinh tế-xã hội hiện thời cùng những biện pháp kích cầu từ Chính phủ đang được triển khai quyết liệt, tuy niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ đã có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt, vẫn còn 61,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) kỳ vọng về khả năng phục hồi của nền kinh tế.
Phần lớn doanh nghiệp cho rằng thị trường ngành thực phẩm và đồ uống sẽ lạc quan hơn so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên, 15,4% doanh nghiệp cho rằng thị trường ngành thực phẩm và đồ uống sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Để có thể thích ứng, vượt khó và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để đạt tối ưu hiệu quả hoạt động, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống đang tập trung vào nhiều chiến lược ưu tiên như linh hoạt điều chỉnh trong cung ứng sản phẩm phù hợp thị hiếu, dịch vụ sau bán hàng; kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ quản lý và điều hành; đa dạng hóa nguồn cung ứng; điều chỉnh và thiết kế hoặc đổi mới việc cung cấp sản phẩm để mở rộng sang các thị trường lân cận; tăng cường đầu tư hình ảnh thương hiệu và đẩy mạnh marketing; thiết kế lại các chương trình khách hàng thân thiết...
Bên cạnh đó, chiến lược tăng trưởng doanh thu cũng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn; trong đó, chiến lược về kênh phân phối, sản phẩm hoặc dịch vụ, định giá, chuỗi cung ứng và phân khúc khách hàng là những chiến lược quan trọng nhất trong việc thúc đẩy doanh thu của doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống trong thời gian tới.
[Nhiều thương hiệu lớn hội tụ tại Triển lãm quốc tế thực phẩm, đồ uống]
Ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế Vinamilk, cho biết doanh nghiệp đã và đang tiếp tục chủ động chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện mới.
Tại New Zealand và Australia, nơi có yêu cầu cao về yếu tố môi trường, Vinamilk đặt mục tiêu trước 2025 toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu sang 2 thị trường này đều sử dụng bao bì HDPE (bao bì dễ tái chế). Hiện các sản phẩm xuất khẩu cung ứng đến New Zealand và Australia đều không có ống hút nhựa, nắp dễ mở hơn nhằm giảm rác thải nhựa ra môi trường.
Việc nhận định và đánh giá khá sớm sự quan trọng của yếu tố phát triển bền vững đã giúp Vinamilk đạt được những kết quả bước đầu tương đối khả quan. Thị trường châu Đại dương tăng trưởng doanh số hơn 10% mỗi năm, sản phẩm được Vinamilk sản xuất đang được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn Costco, Woolworths, Coles, Aldi, Foodstuff… và liên tục có các dự án phát triển sản phẩm mới cho thị trường này.
Có góc nhìn lạc quan hơn về động lực tăng trưởng của ngành thực phẩm và đồ uống từ nay đến cuối năm, Tổng Giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh, phân tích qua 4 lần Ngân hàng Nhà nước liên tiếp điều hành hạ mặt bằng lãi suất cho vay, đã giúp cho nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống giảm được chi phí vay vốn và tăng khả năng tiếp cận vốn, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất và phát triển các kênh phân phối.
Một động lực tăng trưởng khác là lượng du khách quốc tế đến thăm Việt Nam trong những tháng gần đây cũng liên tục tăng trưởng giúp cho ngành thực phẩm và đồ uống gia tăng được tỷ lệ tiêu thụ. Động lực thứ 3 là xu hướng chuyển dịch từ các kênh truyền thống sang hiện đại cũng sẽ tiếp tục tạo tác động tích cực tới sự tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống.
Vì theo khảo sát người tiêu dùng do Vietnam Report thực hiện đã chỉ ra rằng phần lớn người tiêu dùng tại các thành phố lớn mua sắm thực phẩm và đồ uống qua các kênh hiện đại như 87,1% siêu thị, trung tâm thương mại; 88,7% là online và 59,1% là các cửa hàng tiện lợi.
Năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống giữ được nhịp tăng trưởng về doanh thu đều giảm ở hầu hết các kênh phân phối; trong đó, thể hiện rõ nhất là ở các kênh truyền thống và kênh phân phối mua về nhà với tỷ lệ doanh nghiệp bị giảm doanh thu ở các kênh này lần lượt là 21,4% và 18,2%. Đáng chú ý, kênh thương mại điện tử vẫn thể hiện sự tăng trưởng tương đối ổn định so với mặt bằng chung và là kênh duy nhất không ghi nhận tỷ lệ sụt giảm doanh thu khi có tới 90% doanh nghiệp có doanh thu từ kênh này vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam vừa công bố mới đây đã ghi nhận rằng mặc dù, năm nay, áp lực về lạm phát hạ nhiệt nhưng những lo ngại về suy thoái kinh tế vẫn tiếp tục gia tăng. Thực tế, 84,6% doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống tham gia khảo sát của Vietnam Report đều cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu là khó khăn lớn nhất mà họ phải đối mặt trong năm nay.
Tiếp đến, 76,9% doanh nghiệp lựa chọn nguyên nhân là do sức mua giảm sút của người tiêu dùng. Sức mua yếu là hệ quả của suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do thu nhập giảm hoặc lo ngại nền kinh tế có thể tệ hơn nữa trong tương lai./.