Đầu tư công cần “bung ra” mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất
Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm, đầu tư công cần “bung ra” mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, để tăng cầu, tổng cầu của nền kinh tế.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, Quốc hội cũng thảo luận kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trong số đó, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm, tập trung thảo luận, cho ý kiến.
Quyết liệt tăng năng suất lao động
Đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng của năm nay, song đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) băn khoăn khi 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Trong các chỉ tiêu chưa đạt, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77-4,76%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5-6%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm.
"Đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này," đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở cao nếu không có những giải pháp chính sách tốt sẽ đem lại nhiều hệ lụy. Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế, độ mở phù hợp với nước ta; nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Từ đó có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn.
[Quốc hội tranh luận nóng về việc có cần Bộ GD-ĐT soạn sách giáo khoa]
Tại Kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo việc thực hiện các kế hoạch, chương trình 5 năm gửi đến Quốc hội, trong đó đề xuất 52 nhóm giải pháp và nhiệm vụ. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị "rà soát kỹ" để bảo đảm tính liên thông, kết nối và tương hỗ trong các báo cáo, nhất là về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cũng như các giải pháp và nhiệm vụ. Trên cơ sở rà soát, Chính phủ cần xác định những giải pháp trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.
Đề nghị quan tâm đến 3 nhóm giải pháp cụ thể, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề xuất tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa; tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024; đồng thời chỉ đạo Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024, cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đại biểu đề nghị tăng cường liên kết vùng. Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng, làm cơ sở pháp lý thể chế hóa các quan điểm của Đảng vào cuộc sống.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm thời giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công đã được thực hiện từ năm 1999.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ
Nhấn mạnh vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần “bung ra” mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, để tăng cầu, tổng cầu của nền kinh tế.
Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án. Giải ngân vốn đầu tư công cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư giải ngân. Cần rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công và có chế tài cụ thể, xác định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan giám sát để kịp thời ngăn chặn các khoản đầu tư vào các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết, gây lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng cần chủ động rà soát để điều chuyển vốn sớm ngay từ đầu năm theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn của vốn theo quy định; đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án.
“Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi có tiền, xác định rõ nguồn vốn mới được lập dự án đầu tư nên cần phải mất một thời gian chuẩn bị đầu tư dự án mới có thể giải ngân được. Đây là một trong những vướng mắc, điểm nghẽn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn và chậm tiến độ,” đại biểu Nguyễn Đại Thắng nhận định và đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan có giải pháp để tháo gỡ, kịp thời bố trí nguồn ngân sách để lập dự án đầu tư, bảo đảm khi được bố trí vốn đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án thuận lợi và giải ngân được ngay.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án. Việc công bố các vật liệu xây dựng cần phải kịp thời, sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án giao thông đường bộ trọng điểm.
Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, thị trường bất động sản để giải phóng nguồn lực từ các dự án bất động sản; có cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở "vừa túi tiền" để bảo đảm thanh khoản tốt, giải quyết được nhu cầu chỗ ở thực và đang thiếu nguồn cung ở các đô thị lớn. Bảo đảm minh bạch hóa và giảm chi phí trung gian để nhà đất trở về giá trị thật, bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nhất là chính sách để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Vì hiện nay trên cả nước có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp cơ khí chế tạo ở Việt Nam.
Cùng với đó có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến, lựa chọn phụ tùng, linh kiện mà các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất; tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước với nhau, có cơ chế để các nhà đầu tư, các nhà thầu ưu tiên sử dụng các sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất hoặc đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, để hạn chế phải nhập khẩu.
"Có chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước. như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, từ đó giúp các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước nâng cao năng lực, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực đảm nhận được vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu," đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất./.