Định giá thị trường hấp dẫn, khối ngoại mua ròng 5 tháng liên tiếp

Theo thống kê của HOSE, trong tháng 8/2022, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 40.482 tỷ đồng, chiếm 5,63% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường.

(Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN)

Bất chấp xu hướng tăng lãi suất của Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều nền kinh tế lớn, dòng vốn đầu tư của khối ngoại vẫn chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giới phân tích kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, nhờ những triển vọng tăng trưởng kinh tế và yếu tố vĩ mô ổn định của thị trường Việt Nam.

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), trong tháng 8/2022, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 40.482 tỷ đồng, chiếm 5,63% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng trong tháng với giá trị trên 1.797 tỷ đồng.

Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp khối ngoại mua ròng ở thị trường Việt Nam. Với mức định giá thị trường hấp dẫn, khối ngoại đã tập trung mua ròng các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, dầu khí và tài nguyên cơ bản.

Còn theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong tháng Tám vừa qua, Việt Nam và Indonesia là hai thị trường chứng kiến dòng vốn đầu tư danh mục đầu tư nước ngoài vào châu Á lớn nhất. Dòng vốn ròng vào Việt Nam đạt 77 triệu USD giúp đảo ngược vị thế để ghi nhận dòng vốn ròng kể từ đầu năm đạt 58 triệu USD.

Dòng vốn từ các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) khá lạc quan trong tháng 8 khi có dòng vốn ròng khá lớn từ các quỹ ETF nước ngoài (26,9 triệu USD). Trong đó, Xtrackers FTSE Vietnam Swap ETF và Fubon FTSE Vietnam ETF đóng góp nhiều nhất với giá trị lần lượt là 19,3 triệu USD và 9,8 triệu USD. Trong khi SSIAM VNFIN LEAD ETF tiếp tục giải ngân 4,6 triệu USD và đứng đầu trong số các quỹ ETF trong nước.

Trong báo cáo dòng vốn đầu tư mới công bố, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết lũy kế 8 tháng qua, tổng giá trị dòng vốn ETF duy trì vào ròng 8.500 tỷ đồng (trên 360 triệu USD). Tuy nhiên, nếu xem xét xu hướng từng quỹ, dòng vốn ghi nhận sự phân hóa khá mạnh giữa các quỹ.

Cụ thể, trong tháng Tám vừa qua, mức rút ròng mạnh đến từ các nhóm quỹ ETF liên quan đến VFM như VFM VNDiamond, rút vốn trong tháng thứ hai liên tiếp với giá trị lên đến 891 tỷ đồng (tăng 70% so với tháng trước) hay VFM VN30 bị rút ròng 205 tỷ đồng. Điều này đã làm trung hòa xu hướng vào ròng từ nhóm quỹ ngoại như quỹ FTSE Vietnam ETF với giá trị vốn vào ròng đạt +652 tỷ đồng, quỹ Fubon (+256 tỷ đồng) hay quỹ nội như SSIAM VNFIN Lead (+140 tỷ đồng) hoặc một số quỹ có giá trị vào nhỏ hơn như KIM VN30 ETF, Premia Vietnam, Mirae Assets VN30.

[Giao dịch chứng khoán lô lẻ chính thức được triển khai từ ngày 12/9]

Trên thực tế, với diễn biến tích cực của chỉ số SET INDEX (Thái Lan) trong thời gian qua, dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân ở Thái Lan đã phần nào đảo chiều khi lượng chứng chỉ lưu kí DR FUEVFVND (FUEVFVND01), dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF, trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan giảm xuống còn 76 triệu chứng chỉ FUEVFVND vào cuối tháng Tám vừa qua, từ mức 77,2 triệu đơn vị vào cuối tháng Bảy vừa qua.

Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho biết dòng tiền từ các quỹ chủ động tích cực hơn trong tháng Tám năm nay với diễn biến giải ngân đồng đều hơn. Trái với xu hướng phân hóa ở các quỹ ETF, các quỹ chủ động đã tích cực giải ngân vào thị trường Việt Nam trong tháng Tám, với mức vào ròng khoảng 260 tỷ đồng. Tính chung trong 8 tháng, các quỹ chủ động rút ròng khoảng 840 tỷ đồng, tập trung vào tháng Hai và tháng Ba.

“Số lượng các quỹ chủ động vào ròng đã có sự cải thiện, trong khi đó mức độ rút ròng ở một số quỹ cũng đã giảm dần theo tháng. Triển vọng dài hạn tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu kích hoạt dòng tiền từ các quỹ chủ động giải ngân,” báo cáo của SSI đánh giá.

Về diễn biến dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam, các chuyên gia của SSI duy trì góc nhìn trung lập đối với xu hướng dòng tiền trong ngắn hạn, khi khó có thể loại trừ áp lực lên dòng vốn trong bối cảnh những rủi ro từ bên ngoài vẫn được duy trì, đặc biệt là xu hướng mạnh lên của đồng USD. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái cho thấy cam kết duy trì môi trường tỷ giá ổn định và triển vọng tích cực về dài hạn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm việc hưởng lợi từ việc chuyển dịch dòng vốn từ Trung Quốc) sẽ giúp kích hoạt dòng tiền giải ngân từ các quỹ chủ động.

Nhận định về xu hướng của khối ngoại, báo cáo chiến lược tháng 9 của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đề cập, hiện P/E dự phóng cuối năm của thị trường Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn thấp. Dự phóng này đặt trong bối cảnh thị trường đang được kỳ vọng có mức tăng trưởng EPS gần 29% trong năm 2022 và tiếp tục tăng gần 17% trong năm 2023, theo Bloomberg.

Điều này thể hiện rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện được giao dịch tại mức định giá khá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước vẫn tiếp tục phục hồi, định giá thị trường chứng khoán vẫn đang là điểm sáng hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư nước ngoài, minh chứng qua việc khối ngoại kéo dài đà mua ròng xuyên suốt 5 tháng qua.

Nhìn về cuối năm 2022, các chuyên gia của Mirae Asset Việt Nam kỳ vọng việc giá cả hàng hóa hạ nhiệt sẽ góp phần giảm áp lực lạm phát và nới rộng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất trong cuối năm 2022. Thương mại quốc tế dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh do hạn hán kỷ lục đang xảy ra trên toàn cầu, dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực và các hàng hóa khác trong tương lai.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng GDP, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, đầu tháng Chín này, Moody’s nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. Tăng trưởng EPS tiếp tục khả quan… Đây được xem là những yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán tiếp tục có xu hướng hồi phục trong trung và dài hạn. Vì vậy, các nhịp điều chỉnh (nếu có) sẽ mở ra cơ hội tích lũy cổ phiếu tốt để đầu tư trong trung và dài hạn./.

H.Chung (TTXVN/Vietnam+)