Hà Nội xử lý hơn 2.300 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng của thành phố chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đại diện Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, trong tháng Tám vừa qua, tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hết hạn sử dụng, vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và thương mại điện tử vẫn còn xảy ra. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là các nhóm mặt hàng như: thuốc lá, quần áo, đồ thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm...
Đáng chú ý, gần đến thời điểm Tết trung thu 2022, các đối tượng trà trộn mặt hàng bánh trung thu, đồ chơi trẻ em kém chất lượng, hàng hóa nhập lậu không có hóa đơn chứng từ.
Thống kê cho thấy, trong tháng Tám, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã phát hiện và xử lý hơn 2.311 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… khởi tố 4 vụ đối với 15 đối tượng.
Theo đó, số vụ việc liên quan tới hàng cấm, hàng lậu là 251 vụ; Hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 94 vụ; Gian lận thương mại 1.966 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách Nhà nước là 368 tỷ 127 triệu đồng.
Riêng Cục thuế Thành phố xử lý 1.546 trường hợp vi phạm. Phạt hành chính với số tiền là 120 tỷ 132 triệu đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra 240 tỷ 264 triệu đồng.
Về phía Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong tháng, các đơn vị chức năng của cơ quan này đã kiểm tra 479 vụ, xử lý 454 vụ, phạt hành chính 3 tỷ 864 triệu đồng.
- Số vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại:
Những kết quả trên đã góp phần ổn định thị trường thành phố, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.
Nhằm tiếp tục công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng của thành phố chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường. Chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả. Tổ chức kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên địa bàn./.