Đi tìm các ứng dụng của nghệ thuật Tuồng trong đời sống đương đại
Tọa đàm nhấn mạnh vào khả năng ứng dụng đa dạng của loại hình nghệ thuật Tuồng trong đời sống đương đại. Đó là giải pháp để di sản "sống" được cùng sự phát triển của xã hội.
Trong thời đại công nghệ ngày nay, việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng là vô cùng khó khăn, bởi “bài toán” đặt ra là làm sao để có thể giữ gìn được tinh hoa của sân khấu truyền thống, vừa phải ứng dụng nghệ thuật phù hợp với thị hiếu của thời đại.
Đó là nhận định chung của các chuyên gia trong tọa đàm “Ứng dụng chất liệu tuồng trong đời sống đương đại” diễn ra ngày 25/11 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội.
Sự kiện do Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuồng Việt Nam tổ chức, hưởng ứng Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm 2023 và kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2023).
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Trưởng Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội, bà Trần Thị Thúy Lan bày tỏ niềm vui khi chương trình không chỉ nhận được sự quan tâm của các chuyên gia văn hóa mà còn thu hút nhiều bạn trẻ đến tham dự.
“Sự kiện được tổ chức với mục đích giúp cho thế hệ trẻ và những người yêu thích Tuồng có cơ hội hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống này, qua đó tìm giải pháp đẩy mạnh, phát huy những giá trị tốt đẹp của Tuồng trong đời sống đương đại,” bà Trần Thị Thúy Lan nêu rõ.
Nội dung buổi tọa đàm nhấn mạnh vào khả năng ứng dụng đa dạng của loại hình nghệ thuật Tuồng trong đời sống đương đại như ứng dụng trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn, sân khấu thể nghiệm, ứng dụng trong giao thoa ngôn ngữ đa phương tiện, trong các thiết kế mỹ thuật, thời trang và các ngành công nghiệp văn hóa khác.
Bà Chu Thu Phương, nghiên cứu sinh bộ môn Di sản học, Khoa Các khoa học liên ngành, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay Tuồng xưa kia có thể xem là một dạng kịch với nghệ thuật tổng hợp ở mức độ cao, có nội dung xoay quanh các nhân vật lịch sử, các tích truyện cổ; được biểu diễn trong lễ hội, đám cưới, đám khao, đám hiếu, sân khấu cung đình.
Theo nhà nghiên cứu Chu Thu Phương, ngày nay, Tuồng đang bắt đầu “tan ra” thành nhiều yếu tố, được sử dụng trong nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn khác nhau; được trao truyền qua các câu lạc bộ, gia đình, lớp học; không gian trình diễn là chiếu tuồng, đình chùa, sân khấu.Đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy Tuồng, bà Chu Thu Phương cho rằng các nhà thực hành, quản lý văn hóa cần bảo tồn Tuồng gốc đồng thời ứng dụng nhạc Tuồng vào múa hiện đại, ghép múa Tuồng với kịch câm, ứng dụng chất liệu Tuồng trong thời trang và sản xuất đồ lưu niệm.
Bày tỏ quan điểm về nghệ thuật Tuồng, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khẳng định nghệ thuật Tuồng có thể sánh cùng với các loại hình nghệ thuật quốc tế nhờ tính bác học.
“Tính bác học nằm ở việc sân khấu Tuồng đã tạo ra được những khuôn mẫu, hình tượng ước lệ và từ đó hướng tới sự cô đọng trong nghệ thuật,” ông Lê Tiến Thọ nói.
Bên cạnh những chia sẻ của khách mời, các khán giả trẻ tuổi tham gia sự kiện cũng tích cực đặt nhiều câu hỏi xoay quanh nghệ thuật Tuồng. Theo đó, những vấn đề đặt ra trong tọa đàm cũng là cơ sở để các nhà quản lý tìm ra định hướng, giải pháp thỏa đáng, phù hợp cho việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật Tuồng, thích ứng được với sự chuyển biến, nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật trong xã hội.
Nghệ thuật Tuồng (Hát bội) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2014./.