Đề xuất áp dụng bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam
Vấn đề xây dựng các khu công nghiệp sinh thái hiện nay được coi là giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập về môi trường, giảm lãng phí tài nguyên và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với gần 400 khu công nghiệp và 18 khu kinh tế ven biển, hệ thống các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả hoạt động và đo lường tiến độ chuyển đổi của các khu công nghiệp theo hướng khu công nghiệp sinh thái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu thử nghiệm về khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.
Hiện nay, xu hướng phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững được nhiều quốc gia trên thế giới như Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng như Việt Nam triển khai thông qua việc chuyển đổi và phát triển mới mô hình. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong hoạt động công nghiệp, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 và cam kết phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050 tại Hội nghị COP26.
"Để hỗ trợ, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp khu công nghiệp sinh thái và mong muốn có nhiều khu công nghiệp hoàn thành việc chuyển đổi để được chứng nhận khu công nghiệp sinh thái trong thời gian tới,” ông Quân nhấn mạnh.
Theo đó, mục tiêu, phương pháp xây dựng và đề xuất áp dụng bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái cho Việt Nam bao gồm: giới thiệu khung quốc tế về khu công nghiệp sinh thái; tiêu chí khu công nghiệp sinh thái theo quy định của Việt Nam; phương pháp xây dựng, lựa chọn chỉ tiêu và khả năng áp dụng bộ chỉ số khu công nghiệp sinh thái.
Theo đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), bộ chỉ số về khu công nghiệp sinh thái cần đảm bảo tính phù hợp, khả năng thực hiện và có căn cứ khoa học phù hợp với điều kiện của Việt Nam ở các khía cạnh như: môi trường, quản lý khu công nghiệp, xã hội và kinh tế, hỗ trợ giám sát, đánh giá và hỗ trợ công nhận khu công nghiệp sinh thái theo quy định...
Đánh giá về việc xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hệ thống các khu công nghiệp có vai trò quan trọng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
[Triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển kinh tế xanh]
Hiện nay, Việt Nam có gần 400 khu công nghiệp và khu kinh tế, thu hút tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 12 tỷ USD, chiếm khoảng 80-90% các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất.
Theo bà Hiếu, bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển công nghiệp một cách nhanh chóng cũng gây ra những ảnh hưởng, tác động nhất định đến môi trường.
Một số khu công nghiệp đang hoạt động chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đe dọa sức khỏe và đời sống người dân do ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải nguy hại.
Do đó, cần thiết phải chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp bền vững hơn; trong đó, tập trung vào việc sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Vấn đề xây dựng các khu công nghiệp sinh thái được coi là giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập về môi trường, giảm lãng phí tài nguyên và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong thời gian tới cần có các tiêu chí cụ thể cho khu công nghiệp sinh thái.
Không có một quy định nào về kinh tế tuần hoàn nêu rõ được hưởng bao nhiêu % ưu đãi thuế, nhưng đối chiếu sang các quy định khác thì doanh nghiệp sẽ được các ưu đãi vay vốn tín dụng xanh, Nhà nước cấp bù lãi suất, các cơ hội tạo điều kiện tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài…
Bà Nguyễn Trâm Anh, chuyên gia kỹ thuật quốc gia của UNIDO đánh giá, khoa học công nghệ rất cần thiết trong quá trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái phải có nhiều bên liên quan hỗ trợ, chứ không chỉ trông chờ vào Nghị định 35.
Kinh tế 4.0 đang tạo cho chúng ta sự kết nối cộng sinh công nghiệp, xây dựng nền kinh tế mới hoàn toàn, khu công nghiệp không bị đóng trong khu công nghiệp. Vì vậy, cần nhìn nhận vấn đề này ở những góc độ cởi mở hơn./.