"Đà Nẵng cần chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng hiệu quả"
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Đà Nẵng cần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả.
Trong chương trình thăm, làm việc tại Đà Nẵng, chiều 26/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của thành phố trong thời gian vừa qua và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Cùng dự có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và Quân khu V.
Tập trung khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế
Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng tại buổi làm việc cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đoàn kết, quyết tâm cao, tập trung khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế và nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) cả năm 2021 tăng 0,18%. Một số ngành công nghiệp và dịch vụ vẫn có mức tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên 3,18 tỷ USD, tăng 13,2%, xuất siêu 487 triệu USD.
Đặc biệt, tình hình kinh tế-xã hội Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc, nhất là từ tháng 3 đến nay. Theo đó, GRDP quý 2 tăng 12,37%, 6 tháng đầu năm tăng 7,23%, xếp thứ 2/5 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; thứ 4/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; đứng thứ 28 toàn quốc.
Các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng chỉ đạo thực hiện, nhất là chính sách bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân do tác động của dịch COVID-19.
Việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị đạt được một số kết quả bước đầu. Công tác cải cách hành chính, xây dựng thành phố thông minh.
Các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Tại buổi làm việc, thành phố Đà Nẵng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung bao gồm những định hướng phát triển lớn trong Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cơ chế phát triển khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm; cơ chế tháo gỡ các khó khăn trong phát triển khu công nghiệp để điều chỉnh cơ cấu kinh tế; các chính sách để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số; tháo gỡ vướng mắc đấu giá quyền khai thác khoáng sản; về phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất; tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị; quyết định việc dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị; xây dựng cảng Liên Chiểu...
[Quảng bá lợi thế của Đà Nẵng - điểm đến tiềm năng ở châu Á]
Tại buổi làm việc, 13 lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu làm rõ những tiềm năng, thế mạnh; tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng; cho ý kiến đối với các đề xuất, kiến nghị của thành phố; đề xuất các giải pháp để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững.
Lãnh đạo các bộ, ngành bày tỏ ấn tượng đối với sự năng động, sáng tạo của Đà Nẵng, nhất là trong phát triển du lịch, công nghệ; là thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp; đồng thời cho rằng Đà Nẵng cần thể hiện rõ hơn nữa vai trò trung tâm liên kết vùng; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển thành trung tâm khoa học, công nghệ, du lịch, dịch vụ, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao...
Tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Đà Nẵng đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, nhất là trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, lợi thế với những điểm nổi trội, khác biệt mà không địa phương nào trên cả nước có được: là thành phố trực thuộc trung ương, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế-xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên; cửa ngõ phía Đông mở ra Thái Bình Dương của Hành lang kinh tế Đông-Tây; dễ dàng kết nối các trung tâm kinh tế của khu vực; địa hình Đà Nẵng khá phong phú, đa dạng.
Theo Thủ tướng, Đà Nẵng được coi là "thành phố đáng sống;" có nhiều công trình lớn, mang tính biểu tượng cùng với bãi biển đẹp, nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng; hệ thống y tế, giáo dục tương đối phát triển; nằm ở trung điểm của các di sản thế giới; người dân năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó, mến khách; hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, là đầu mối viễn thông quan trọng quốc gia; có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động.
Đặc biệt, Đà Nẵng được Trung ương rất quan tâm, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43-NQ về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đà Nẵng được thực hiện thí điểm chính quyền đô thị.
“Các bộ, ngành, đặc biệt là Đà Nẵng phải nắm chắc, sâu sắc về vai trò, vị trí đặc biệt và tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng để từ đó xây dựng các quy hoạch và khai thác để phát triển,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh biểu dương những kết quả mà Đà Nẵng đã đạt được trong thời gian vừa qua với nhiều điểm sáng, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức đối với Đà Nẵng.
Theo đó, quy mô, tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng, chưa thực sự bứt phá; quy mô kinh tế và tổng thu ngân sách Nhà nước còn khiêm tốn; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Đà Nẵng chưa thể hiện tốt vai trò đầu tàu, hạt nhân phát triển, liên kết, hợp tác của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng cần phải được thúc đẩy, thực hiện chắc chắn hơn, tuân thủ các nguyên tắc của Đảng...
Thủ tướng nhận định, trong thời gian tới, thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, song khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là do dịch bệnh.
Nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội còn rất nhiều việc phải làm. Do đó, Đà Nẵng phải tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố XXII và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội.
Đà Nẵng cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp; phát huy truyền thống đoàn kết... để xây dựng, phát triển thành phố.
Để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Theo đó, trước mắt Đà Nẵng tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là tổ chức tiêm mũi vaccine tăng cường cho các đối tượng.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng làm tốt công tác quy hoạch, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển toàn diện. Theo đó, xây dựng và phát triển thành phố với các định hướng lớn như phát triển du lịch, kinh tế trí thức, dịch vụ chất lượng cao; phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị và gắn với phát triển du lịch.
Thành phố tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, quốc tế và theo hướng xanh, phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cao.
Thủ tướng cho rằng, Đà Nẵng cần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt những lĩnh vực có tiềm năng lớn như logistics, kinh tế biển, dịch vụ tài chính, công nghiệp công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin... Chú trọng hợp tác, liên kết phát triển vùng thực chất, hiệu quả.
Đà Nẵng phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội; chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tổ chức triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thủ tướng chỉ rõ, Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện kịp thời, hiệu quả, dứt điểm các kết luận thanh tra, điều tra và thi hành các bản án về kinh tế, hành chính; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế; tận dụng có hiệu quả cơ hội do các FTA mang lại; tham gia kết nối sâu vào các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Đà Nẵng chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và đạo tào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Đà Nẵng, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và khảo sát, nghiên cứu thực tế, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí với các đề xuất của thành phố trên nguyên tắc là phải tháo gỡ, tìm đầu ra cho các kiến nghị của thành phố; các bộ, ngành và Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với nhau, phân tích với cách tiếp cận mới, tư duy mới để xử lý các vấn đề.
Trong đó, những nội dung hiện đã có quy định và còn phù hợp với tình hình thực tế, đề nghị thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện; đối với những chơ chế, chính sách không còn phù hợp, Đà Nẵng phối hợp với các bộ, ngành xử lý, những vấn đề vượt thẩm quyền thì trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát Khu đô thị đại học FPT; thăm, khảo sát Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ UAC; thăm, khảo sát khu công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng; khảo sát khu vực quy hoạch xây dựng cảng Liên Chiểu và thăm gia đình chính sách thành phố Đà Nẵng./.