Đẩy mạnh số hóa, xanh hóa thúc đẩy chất lượng ngành bưu chính
So với năm 2022, năm 2023, Việt Nam đã tăng được 1 cấp độ và có tên trong nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển bưu chính ở mức tốt.
Theo bảng xếp hạng chỉ số tích hợp phát triển bưu chính (2IPD) do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố cuối năm 2023, bưu chính Việt Nam thuộc nhóm 6/10.
So với năm 2022, Việt Nam đã tăng được 1 cấp độ và có tên trong nhóm các quốc gia có chỉ số phát triển bưu chính ở mức tốt.
Đây là kết quả cho những nỗ lực trong việc đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh số hóa, “xanh hóa” các hoạt động bưu chính nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng và thị trường trong nước của các doanh nghiệp bưu chính Việt Nam.
Giữ vững xếp hạng
Hệ thống bưu chính Việt Nam hiện gồm những đơn vị chủ lực như: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), Tổng công ty chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS), Công ty cổ phần dịch vụ Giao hàng nhanh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong, Công ty Nin Sing Logistics, Công ty Best Logistics, Công ty SPX Express, Công ty Lazada Express, Công ty cổ phần dịch vụ Tức thời, Công ty cổ phần 247…
Theo ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu dịch vụ bưu chính năm 2023 ước đạt 58.900 tỷ đồng. Con số này đã tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng chỉ đạt 94% kế hoạch năm 2023. Tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 2.465 triệu bưu gửi, tăng 32,3% so với năm 2022.
Năm 2024, ngành bưu chính đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 64.800 tỷ đồng; đồng thời, tiếp tục cải thiện toàn diện chất lượng dịch vụ bưu chính, giữ vững chỉ số tích hợp phát triển bưu chính xếp hạng mức 6/10.
Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính 2IPD là căn cứ xếp hạng bưu chính các nước theo nhóm với 10 cấp độ từ 1 đến 10, thay vì phương pháp xếp thứ tự từ 1 đến 174 được áp dụng trong giai đoạn 2018-2021 cho các nước thành viên Liên minh bưu chính thế giới UPU.
Đây là cơ sở đánh giá hiệu quả, năng lực hoạt động bưu chính của các quốc gia dựa trên đánh giá điểm hiệu suất chuẩn theo 4 tiêu chí là: độ tin cậy; khả năng tiếp cận; tính phù hợp; khả năng phục hồi.
Khi điểm số của các tiêu chí được nâng cao, hiệu quả hoạt động tiếp vận (logistics), phát triển mạng lưới đối tác quốc tế qua thương mại điện tử, thương mại số, tính cạnh tranh, minh bạch trong dịch vụ cũng như khả năng cung ứng dịch vụ ổn định, thích ứng linh hoạt với những biến động đều được cải thiện.
Theo báo cáo Hiện trạng ngành Bưu chính toàn cầu năm 2023 do UPU công bố, mức độ phát triển bưu chính có mối tương quan chặt chẽ với cường độ phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19 cũng như sự tăng cưởng của GDP quốc gia.
Thời gian qua, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) nỗ lực triển khai ứng dụng công nghệ mới cùng đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số 2IPD, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao thứ hạng của bưu chính Việt Nam trên trường quốc tế.
Mới đây, Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã triển khai hệ thống Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam. Đây là bước đầu của quá trình xây dựng hạ tầng logistic thông minh tại Việt Nam.
Sửa đổi Luật Bưu chính
Những thay đổi nhanh về hình thức kinh doanh khi giao dịch thương mại điện tử ngày càng trở nên thiết yếu, sự giao thoa giữa bưu chính và vận tải hàng hóa chưa được quy định cụ thể dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý và xử lý vi phạm.
Để tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy bưu chính phát triển, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương đã yêu cầu ngành Bưu chính trong năm 2024 tập trung đề xuất sửa đổi Luật Bưu chính. Luật Bưu chính được xây dựng từ năm 2010, do vậy cần xây dựng lại luật mới với cách tiếp cận mới để đáp ứng thực tiễn, trong đó cần chú trọng đến xây dựng chính sách về giá cước bưu chính. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung quản lý chất lượng dịch vụ bưu chính, còn giá dịch vụ cần nghiên cứu trên cơ sở thị trường quyết định.
Đối với các doanh nghiệp bưu chính cần chấp nhận thay đổi, tăng cường áp dụng công nghệ để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.
Doanh nghiệp bưu chính cũng phải tư duy về chiến lược cho các hoạt động của mình, như các hệ thống, phương tiện vận chuyển vận chuyển phải được xanh hóa, bảo vệ môi trường và việc này phải được quan tâm và triển khai dần.
Đồng thời, các doanh nghiệp bưu chính phải tập trung nâng cao quản lý chất lượng dịch vụ và tuân thủ pháp luật.
Các doanh nghiệp có sai phạm bị xử phạt sẽ được thông tin công khai vì doanh nghiệp luôn lo ngại mất uy tín và thương hiệu.
Lĩnh vực Bưu chính là hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền Kinh tế Số, đặc biệt của thương mại điện tử. Chiến lược phát triển bưu chính xác định, hạ tầng bưu chính được sử dụng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bưu chính và các sản phẩm, dịch vụ khác.
Để phục vụ nhu cầu của xã hội, bưu chính cần phát triển một cách toàn diện, đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại và huy động tối đa các nguồn lực xã hội.
Xây dựng, phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng bảo đảm tính gắn kết giữa hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu, trong đó lấy nền tảng số làm giải pháp đột phá.
Đồng thời, phát triển bưu chính theo hướng mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới, đẩy mạnh số hóa, “xanh hóa” các hoạt động bưu chính.
Song song với việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bưu chính, các đơn vị bưu chính của Việt Nam cần khai thác tốt thị trường trong nước từ đó vươn ra thị trường quốc tế./.